Lo xung đột Nga-Ukraine, Mỹ quyết đảm bảo khí đốt cho EU

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính phủ Mỹ lên kế hoạch bảo đảm khí đốt cho châu Âu đề phòng trường hợp nổ ra xung đột Nga-Ukraine.

Reuters dẫn các nguồn tin ngoại giao cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden ngày 14/1 đã bàn bạc với nhiều công ty năng lượng quốc tế để lên kế hoạch khẩn cấp nhằm đảm bảo an ninh năng lượng cho châu Âu nếu xung đột giữa Moscow và Kiev gây gián đoạn nguồn cung khí đốt từ Nga.

Mỹ lên kế hoạch bảo đảm khí đốt cho châu Âu phòng khi nổ ra xung đột Nga–Ukraine
Mỹ lên kế hoạch bảo đảm khí đốt cho châu Âu phòng khi nổ ra xung đột Nga–Ukraine

Chính phủ Mỹ lo ngại Nga đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công vào Ukraine, nhưng Moscow bác bỏ.

Giá khí đốt bán buôn ở châu Âu đã tăng gần 300% trong năm qua do lượng dự trữ thấp bất thường, trong bối cảnh nhu cầu gia tăng từ các nền kinh tế sau đại dịch Covid-19 và một nguồn cung không được đảm bảo từ Nga.

Cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu ngày càng nghiêm trọng, khi nguy cơ xung đột Nga-Ukraine diễn ra đẩy giá khí đốt lên cao, giữa bối cảnh dừng hoạt động của các nhà máy điện tại Pháp vẫn kéo dài. Giá nhiên liệu tăng cao kỷ lục đang gây sức ép lên hoá đơn của các hộ gia đình và chi phí của doanh nghiệp, dẫn đến biểu tình ở một số quốc gia.

Khoảng 1/3 lượng khí đốt mà Liên minh châu Âu (EU) đang sử dụng là do Nga cung cấp, và các biện pháp trừng phạt của Mỹ nếu xung đột giữa Moscow và Kiev xảy ra có thể gây gián đoạn nguồn cung đó.

Các quan chức của Bộ Ngoại giao Mỹ đã trao đổi với nhiều công ty năng lượng quốc tế xem liệu họ có thể tăng thêm nguồn cung khí đốt cho châu Âu trong trường hợp cần thiết hay không. Các công ty năng lượng nói rằng nguồn cung khí đốt toàn cầu đang rất hạn chế và khó có khả năng bù đắp nguồn cung lớn từ Nga.

Ông Amos Hochstein - Cố vấn cấp cao về an ninh năng lượng Mỹ, là người phụ trách cuộc thảo luận của Bộ Ngoại giao Mỹ với các công ty năng lượng. “Chúng tôi đã thảo luận về nhiều kế hoạch dự phòng và chúng tôi đã bàn về những gì chúng tôi sẽ làm với các đồng minh và đối tác”, nguồn tin giấu tên cho hay.

Theo các nguồn tin ngoại giao trên, các quan chức Mỹ cũng đề cập đến khả năng các công ty năng lượng quốc tế sẽ tăng xuất khẩu khí đốt và hoãn bảo trì mỏ khí đốt nếu cần thiết.

Người phát ngôn của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ từ chối bình luận về việc họp bàn của giới chức với các công ty năng lượng, song xác nhận đã chuẩn bị kế hoạch dự phòng. “Đánh giá tác động tiềm tàng và tìm cách giảm bớt tác động lan tỏa là sự quản trị tốt và cách làm chuẩn”, người phát ngôn cho hay.

Một nguồn tin ngoại giao khác cho biết chính phủ Mỹ đã cam kết sẽ hỗ trợ châu Âu nếu xảy ra tình trạng thiếu năng lượng do xung đột hay trừng phạt. “Ông Hochstein đang liên lạc với các công ty sản xuất khí đốt lớn và những nước xuất khẩu khí đốt hàng đầu thế giới như Qatar để xem họ có thể giúp Mỹ hay không”, nguồn tin này tiết lộ.

Nếu nguồn cung khí đốt từ Nga sang châu Âu giảm đi, châu Âu sẽ phải tìm nguồn khác để bù đắp. Xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng của Mỹ dự kiến sẽ tăng mạnh trong năm nay để trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn nhất thế giới. Châu Âu đang phải cạnh tranh với Trung Quốc và Nhật Bản để mua khí đốt từ các nhà cung cấp lớn như Mỹ và Qatar.

Nga đang khiến phương Tây lo lắng khi duy trì một lực lượng binh lính lớn gần biên giới Ukraine trong suốt 2 tháng qua. Trong cuộc điện đàm gần đây với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo rằng bất kỳ bước đi mới nào của Moscow với Kiev cũng sẽ vấp phải biện pháp trừng phạt và khiến Washington gia tăng hiện diện ở châu Âu.

Về phần mình, Nga phủ nhận kế hoạch tấn công Ukraine và khẳng định họ có quyền di chuyển quân trong lãnh thổ của mình.