Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Loạn kỳ thi quốc tế: Tạo áp lực thành tích, dễ gây ngộ nhận cho trẻ

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Đến hẹn lại lên, các cuộc thi quốc tế lại nở rộ khi bắt đầu năm học mới. Kể từ đây, tháng này nối tiếp tháng nọ, lịch thi quốc tế dồn dập khiến nhiều phụ huynh, học sinh tất bật. Tuy vậy, phía sau các cuộc thi quốc tế là những khoảng lặng trong giáo dục.

Nở rộ các kỳ thi quốc tế

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có vài chục kỳ thi quốc tế được các cá nhân, tổ chức “nhập khẩu” về Việt Nam. Đại đa số các kỳ thi, thí sinh đều phải đóng phí, trong đó có kỳ thi đóng phí tượng trưng, có kỳ thi đóng phí đầy đủ. Không ít kỳ thi gồm nhiều vòng, nhiều môn, phụ huynh muốn con tham gia phải đóng tổng phí khoảng từ vài trăm nghìn đến cả triệu đồng.

Thí sinh chen chân trong một kỳ thi gắn mác quốc tế (Ảnh: PHCC)
Thí sinh chen chân trong một kỳ thi gắn mác quốc tế (Ảnh: PHCC)

Do được gắn mác quốc tế; hơn nữa mỗi huy chương có giá trị trong việc vinh danh, cộng học bổng (các trường ngoài công lập), phần thưởng ở các trường công lập hoặc chí ít được khen thưởng ở cơ quan bố mẹ hay tổ dân phố. Vì vậy, hầu như kỳ thi nào cũng được đông đảo thí sinh và phụ huynh hưởng ứng. Người mới tham gia 1-2 kỳ thi phụ huynh còn khá thận trọng khi tìm hiểu kỹ thông tin từng kỳ (đơn vị Việt Nam, đơn vị quốc tế, đơn vị đăng cai...) nhưng khi đã quen, cứ có cuộc thi nào được thông báo là phụ huynh đăng ký luôn.

Chị Nguyễn Hải Anh có con năm nay học lớp 3 tại một trường tư thục cho biết, con chị đã trải qua vài chục kỳ thi từ năm lớp 1 đến giờ.

"Vốn con rất yêu thích Toán học nên khi thầy cô ở trường thông báo có cuộc thi nào, mẹ đều đăng ký cho cho đi thi để trải nghiệm và rèn luyện kỹ năng, bản lĩnh thi cử. Con rất hợp tác và khá thích đi thi. Vào các ngày cuối tuần, nếu có lịch thi là mẹ con lại đưa nhau đi. Có đợt, đến cả 2 tháng con không được nghỉ buổi nào vì lịch học, lịch thi kín mít", chị Hải Anh kể lại.

Tương tự, anh Ngô Văn Hòa, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội mong muốn con mạnh bạo, có khả năng thi đấu theo kiểu “gà nòi” nên luôn hăng hái đăng ký cho con tham gia các cuộc thi quốc tế.

“Con dự kỳ thi đầu tiên khi mới học lớp 1 nhưng tôi quyết định đăng ký cho con thi vượt cấp cùng anh chị khối lớp 2. Kết quả mang về thật bất ngờ khi con đạt Huy chương Bạc cả Toán và Khoa học. Được đà, các kỳ thi sau này tham gia con cũng được rất nhiều huy chương. Thành tích vinh danh của con tại trường bao giờ cũng thuộc tốp nổi nhất vì có nhiều giải thưởng. Cả nhà rất tự hào về điều đó và trên trang cá nhân của tôi, mọi người đều gọi con là siêu nhân", anh Văn Hòa không giấu giếm.

Nhiều góc khuất

Là những người chuyên đưa con đi thi nhưng cả chị Hải Anh và anh Văn Hòa đều thừa nhận, các cuộc thi quốc tế hiện nay có rất nhiều bất cập và đã đến lúc cần dừng lại để nhìn nhận, phân loại thay vì mải miết đăng ký rồi vác con đi thi.

Nhiều bài trong đề thi gắn mác quốc tế được cho là cẩu thả, không phù hợp (Ảnh: PHCC)
Nhiều bài trong đề thi quốc tế được cho là cẩu thả, không phù hợp (Ảnh: PHCC)

Hai phụ huynh phân tích: Thứ nhất về công tác tổ chức thi không phải bao giờ cũng chuẩn. Có những cuộc thi vòng 1 tổ chức online nhưng hệ thống trục trặc, thí sinh không vào làm bài thi được, gọi đến hotline cũng không ai nhấc máy hỗ trợ, thành thử ra con ngồi nửa thời gian vẫn chưa thể đăng nhập. Có cuộc thi lại không cần hệ thống giám sát, bố mẹ anh chị công khai ngồi cạnh… nhắc bài; hay có kỳ thi tạo cảm giác như học sinh đang làm bài tập về nhà; tự làm xong rồi tự nộp, không ai hỏi han… 

Thứ hai về đề thi, nhiều phụ huynh khi biết đề thi của con đã tá hỏa không hiểu đó là kiến thức cấp 2 hay cấp 3, trong khi con mới học tiểu học.

Thứ ba về số vòng thi và kinh phí, nhiều kỳ thi thể hiện rõ tính thương mại khi cùng lúc tổ chức nhiều môn, mỗi môn nhiều vòng thi và mỗi vòng thi lại đóng phí độc lập.

Thông thường, vòng 1 sẽ cho đề khá đơn giản để nhiều thí sinh đạt huy chương vào vòng 2. Không ít bố mẹ có tâm lý cho con đi thi cho biết. Tuy nhiên, khi con đạt huy chương, họ lại móc hầu bao cho con thi tiếp. Chưa dừng lại, với những phụ huynh muốn con đạt thành tích cao sẽ không tiếc tiền cho con tham gia ôn luyện mất phí. Như vậy là, để đạt được một tấm huy chương, số tiền họ phải bỏ ra không hề nhỏ.

Ngoài vẻ hào nhoáng của những chiếc huy chương, một số phụ huynh nhận thấy nhiều vấn đề còn tồn tại cũng như mặt trái do kỳ thi mang lại như: Đứa trẻ tự tin thái quá dễ trở thành ngộ nhận, tự mãn; ngược lại, khi không đạt huy chương thì buồn tủi, cho rằng mình thua bạn bè, kém cỏi, mất tự tin.. Không chỉ vậy, việc suốt ngày mài mặt tại các kỳ thi cũng tạo áp lực nặng nề, chạy đua về thành tích và đánh mất thời gian vui chơi của trẻ.

Theo các giáo viên dạy Toán, các cuộc thi về Toán dành cho trẻ em, nếu làm tốt từ khâu ra đề thi đến cách thức tổ chức thì sẽ giúp học sinh có cơ hội cọ xát và trải nghiệm. Thực tế, có nhiều nhà khoa học thành danh sở hữu bảng vàng thành tích từ các cuộc thi quốc tế; cũng có nhiều sinh viên giỏi, học sinh giỏi được rèn giũa, trưởng thành từ các kỳ thi.

Tuy vậy, các giáo viên nhận xét, việc cho trẻ tham gia quá nhiều kỳ thi quốc tế mà chất lượng không ai kiểm soát không những không rèn được cho trẻ tư duy, tình yêu và niềm đam mê Toán học mà còn khiến trẻ thiếu đi những định hướng cụ thể, thậm chí còn dẫn đến trẻ bị thui chột năng khiếu.

Vì vậy, nếu mong muốn cho con tham gia các kỳ thi quốc tế, phụ huynh cần tỉnh táo lựa chọn những cuộc thi uy tín từ những đơn vị tổ chức uy tín; đồng thời tham khảo về chất lượng đề thi trước khi đưa ra quyết định và đặc biệt không nên đăng ký quá nhiều kỳ thi; đừng vì bất cứ mục đích gì để đổi về những tổn thương cho chính đứa trẻ.

 

"Việc tạo sân chơi tri thức hay tổ chức các cuộc thi là cần thiết nhưng phải đảm bảo mục tiêu, nhiệm vụ năm học. Hiện một số trường có phối hợp các đơn vị tư nhân tổ chức cho học sinh đi thi quốc tế và đã xảy ra tình huống em nào đi thi cũng được Huy chương Vàng hay cả nhà đi du lịch kết hợp đi thi. Các kỳ thi quốc tế có ý nghĩa trong việc tăng cường giao lưu, mở rộng mối quan hệ hiểu biết, nâng cao kiến thức… nhưng nếu là kỳ thi không chất lượng dễ dẫn đến việc học sinh và phụ huynh có tâm lý huyễn hoặc về bản thân và về con em của mình; điều này ảnh hưởng xấu đến tương lai của các em..."- Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương.