Cựu Bộ trưởng Tài chính Lawrence Summers bày tỏ lo ngại trên Bloomberg TV hôm 14/4 về việc ngày càng có nhiều quốc gia xích lại gần nhau và đứng về phía đối lập với Mỹ. Nhận xét được đưa ra bên lề các cuộc họp mùa Xuân của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) tại thủ đô Washington.
Summers, hiện là Giáo sư tại Đại học Harvard, giải thích: "Ngày càng có nhiều người chấp nhận sự phân mảnh… Có người đến từ một quốc gia đang phát triển đã nói với tôi: 'Những gì chúng tôi nhận được từ Trung Quốc là một sân bay. Còn những gì chúng tôi nhận được từ Mỹ là một bài giảng'".
Mới đây, Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva đã đến thăm Trung Quốc và hội kiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông Lula hôm 15/4 tuyên bố rằng mối quan hệ của Brazil với Trung Quốc "đang vượt ra ngoài cấp độ xuất khẩu hàng hóa". Đáng chú ý, nhà lãnh đạo Brazil đã kêu gọi các nước đang phát triển từ bỏ đồng USD với vai trò trước nay là đồng tiền dự trữ toàn cầu.
Đồng tiền dự trữ toàn cầu là loại tiền tệ được chính phủ, ngân hàng trung ương và các tổ chức tài chính khác trên thế giới nắm giữ với số lượng đáng kể và được dự trữ rộng rãi nhất. Việc sở hữu đồng tiền dự trữ của thế giới mang lại cho quốc gia phát hành ảnh hưởng đáng kể đối với hệ thống tài chính toàn cầu, trong đó có khả năng sử dụng đồng tiền của mình như một công cụ cho chính sách ngoại giao và kinh tế. Nó cũng có thể giúp củng cố niềm tin vào nền kinh tế và sự ổn định tài chính của đất nước đó.
Trung Quốc gần đây cũng đã làm trung gian cho các cuộc đàm phán giữa Iran và Ả Rập Saudi - 2 đối thủ sản xuất dầu lớn của Trung Đông. Iran và Ả Rập Saudi sau đó đã đồng ý khôi phục quan hệ và mở lại các đại sứ quán sau 7 năm cắt đứt quan hệ. Chỉ riêng sự xích lại của Ả Rập Saudi và Iran đã khiến cảnh báo "ngày tàn" với đồng USD tăng cao.
Thật vậy, việc có thêm 2 nhà sản xuất dầu lớn ngoài Nga kết nối với nhau đã làm tăng khả năng một số loại dầu được định giá bằng các loại tiền tệ khác ngoài đồng USD. Từ lâu đã có nhiều tranh luận và dự báo về việc tại sao dầu có thể sớm được định giá bằng một loại tiền tệ mới, đầu tiên là Deutsche Mark, sau đó là đồng Yên, đồng Euro…
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đầu tháng này cũng cảnh báo USD có thể sớm không còn là đồng tiền số một thế giới, do chính sách của Tổng thống Joe Biden. "Trung Quốc đang cố gắng loại bỏ đồng đô la Mỹ khỏi vị thế tiền tệ số một thế giới. 3 năm trước, đây là điều không thể tưởng tượng nổi" - ông Trump đăng trên mạng xã hội Truth Social ngày 5/4, đề cập khoảng thời gian khi ông còn đương chức.
Nhìn chung, cuộc chiến ở Ukraine, cuộc gặp gần đây của Tổng thống Nga Vladimir Putin và ông Tập ở Moscow, cùng thành công rõ ràng của Bắc Kinh trong việc làm trung gian hòa giải Iran - Ả Rập, đã làm dấy lên những cuộc tranh luận mới về tầm ảnh hưởng của Mỹ trên trường quốc tế, mà sâu xa là vị trí thống lĩnh toàn cầu của đồng USD.
Nhóm BRICS - gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - hiện đang xem xét việc mở rộng để thu hút các quốc gia như Iran và Ả Rập Saudi, cũng đã đặt ra câu hỏi về tiêu chí trở thành thành viên và vai trò của Ngân hàng Phát triển Mới của nhóm. Rõ ràng, nếu đến một lúc nào đó Mỹ không còn là nền kinh tế lớn nhất thế giới, tình trạng của đồng bạc xanh sẽ bị nghi ngờ. Điều tương tự được cho đã xảy ra với đồng bảng Anh của Vương quốc Anh trong nửa đầu thế kỷ XX.
Hơn nữa, các thành viên OPEC+ - một nhóm gồm 23 quốc gia xuất khẩu dầu họp thường xuyên để quyết định lượng dầu thô bán ra thị trường thế giới, bao gồm Ả Rập Saudi và Nga - gần đây đã đồng ý cắt giảm sản lượng dầu thô.
Chuyên gia Summers nói thêm rằng Chính phủ Mỹ phải tập trung giải quyết thách thức mới này. Ông cảnh báo: “Nếu hệ thống Bretton Woods không hoạt động vững chắc trên toàn thế giới, thì sẽ có những thách thức nghiêm trọng và các giải pháp thay thế được đề xuất".