Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Loạt phản ứng cứng rắn của Nga về vụ Pháp bắt nhà sáng lập Telegram

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại sứ quán Nga tại Paris đã liên hệ với phía Pháp để làm rõ nguyên nhân vụ bắt CEO Telegram Pavel Durov, đồng thời yêu cầu đảm bảo bảo vệ quyền lợi và cho phép ông Durov có quyền tiếp cận lãnh sự.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova. Ảnh: Tass
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova. Ảnh: Tass

Ngày 25/8, Nga lên án việc Pháp bắt ông Pavel Durov, tỷ phú người Nga, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành (CEO) ứng dụng nhắn tin Telegram một ngày trước đó, theo đài RT.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova chất vấn các nhóm nhân quyền quốc tế rằng liệu các nhóm này có gây sức ép lên Pháp sau vụ ông Durov bị bắt hay không.

Bà Zakharova nhắc lại việc các nhóm nhân quyền quốc tế đã chỉ trích gay gắt Nga cách đây vài năm khi cho rằng Moscow cố gắng quản lý hoạt động của Telegram.

Đại sứ quán Nga tại Paris đã chuyển một công hàm tới Bộ Ngoại giao Pháp, yêu cầu được tiếp cận lãnh sự với nhà sáng lập Telegram Pavel Durov.

"Ngay sau khi biết thông tin về vụ bắt giữ, đại sứ quán của chúng tôi tại Paris đã liên lạc với chính quyền địa phương và gửi một công hàm tới Bộ Ngoại giao Pháp yêu cầu được tiếp cận với ông Durov" - bà Zakharova cho biết trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Rossiya-24 hôm 25/8.

"Vấn đề là ông Dorov có quốc tịch Pháp. Do vậy, đối với chính quyền Paris, ông ấy cũng là công dân của quốc gia này" – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga nói thêm.

Theo thông báo của Đại sứ quán Nga tại Pháp, cơ quan này đã yêu cầu chính quyền Pháp tôn trọng các quyền của Durov nhưng Paris đang né tránh hợp tác về vấn đề này. Một nhà ngoại giao cấp cao tiết lộ, Đại sứ quán Nga đã nhanh chóng yêu cầu chính quyền Pháp giải thích lý do bắt giữ nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành Telegram.

Theo bà Zakharova, ở thời điểm này, các luật sư của ông Durov phải xây dựng một chiến lược bào chữa. Quan chức ngoại giao Nga lưu ý thêm: "Chúng tôi có luật pháp của mình và chúng tôi sẽ sử dụng chúng trong trường hợp này cũng như trong các trường hợp khác".

Trước đó, cùng ngày, Phó Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Vladislav Davankov cũng kêu gọi Paris thả ông Durov.

Ông Davankov cảnh báo vụ bắt giữ ông Durov "có thể mang động cơ chính trị và được sử dụng để tiếp cận thông tin cá nhân của người dùng Telegram,” điều mà Moscow không thể cho phép.

CEO Telegram Pavel Durov phát biểu tại một sự kiện ở  Barcelona,  Tây Ban Nha vào ngày 23/2/2016.  Ảnh: Getty
CEO Telegram Pavel Durov phát biểu tại một sự kiện ở  Barcelona,  Tây Ban Nha vào ngày 23/2/2016.  Ảnh: Getty

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho rằng CEO Telegram Pavel Durov đã tính toán sai lầm khi rời khỏi Nga.

Theo Reuters, ông Medvedev hôm 25/8 cho biết, người sáng lập ứng dụng nhắn tin Telegram còn nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ phải làm việc với các cơ quan an ninh ở nước ngoài.

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga kể lại cuộc trò chuyện với CEO Durov cách đây vài năm. Trong đó, ông Medvedev đã cảnh báo ông Durov rằng nếu không muốn hợp tác với các cơ quan thực thi pháp luật thì ông sẽ gặp rắc rối ở bất kỳ quốc gia nào.

“Ông Durov muốn trở thành một "công dân toàn cầu xuất chúng" - một người sống thoải mái mà không cần tổ quốc. Ông ấy đã tính toán sai" - ông Medvedev khẳng định.

Theo Kênh truyền hình TF1 của Pháp, ông Durov (39 tuổi) bị bắt lúc 20h ngày 24/8 (giờ địa phương) khi vừa bước xuống máy bay phản lực riêng trên đường băng tại sân bay Le Bourget, thủ đô Paris. Vào thời điểm bị bắt, ông mới trở về từ Azerbaijan. Ông Durov đi cùng một người phụ nữ và vệ sĩ của mình.

Cả kênh truyền hình Pháp TF1 và BFM TV đều đưa tin, cuộc điều tra tập trung vào vấn đề thiếu hụt người kiểm duyệt trên Telegram, tạo điều kiện cho các hoạt động tội phạm diễn ra mà không bị ngăn chặn trên ứng dụng nhắn tin này.

Pavel Durov, 39 tuổi, sinh ra tại St. Petersburg, Nga. Telegram do Durov thành lập và đặt trụ sở tại Dubai. Durov rời Nga vào năm 2014 sau khi từ chối tuân thủ yêu cầu của chính phủ về việc đóng cửa các cộng đồng đối lập trên nền tảng truyền thông xã hội VK, nền tảng do Durov sáng lập nhưng đã bán lại.