Lợi ích dẫn dắt chính sách

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng thống Mỹ Joe Biden và cộng sự công khai nhưng khôn khéo thể hiện thái độ không hài lòng về việc Ấn Độ không đồng thuận với Mỹ và đồng minh tiến hành những biện pháp trừng phạt Nga.

Ấn Độ bỏ phiếu trắng khi Đại hội đồng Liên Hợp quốc biểu quyết về nghị quyết bất lợi cho Nga. Ấn Độ tiếp tục mua dầu lửa của Nga sau khi Mỹ cấm nhập khẩu dầu lửa của Nga. Trong chuyến thăm Ấn Độ vừa rồi, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida không thuyết phục được phía Ấn Độ thay đổi quan điểm nói trên về Nga. Đối với Ấn Độ, lợi ích trong chuyện này dẫn dắt chính sách và chi phối quyết sách.

Ấn Độ có mối quan hệ chính trị cũng như hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư với Nga khác biệt hẳn so với quan hệ giữa Mỹ và đồng minh với Nga. Mỹ và đồng minh trừng phạt Nga và cấm vận Nga xuất khẩu năng lượng khiến chi giá năng lượng trên thị trường thế giới gia tăng mạnh mẽ trong khi Ấn Độ lại có thể nhập khẩu năng lượng của Nga với mức độ chiết khấu cao. Vì hữu hảo chính trị với đối tác này mà tham gia trừng phạt đối tác khác để rồi chính mình bị tổn hại nặng nề vốn không phải là triết lý tư duy lợi ích của Chính phủ hiện tại ở Ấn Độ. Những vấn đề đối nội hiện tại ở Ấn Độ còn cấp bách đối với Chính phủ Ấn Độ hơn là nhu cầu làm hài lòng Mỹ và các đồng minh của Mỹ liên quan đến Nga.

Mặt khác, không chỉ có Ấn Độ mà nhiều bên khác hiện tại cũng để cho lợi ích dẫn dắt chính sách. Bản thân Mỹ cấm nhập khẩu dầu lửa của Nga trong khi vẫn nhập khẩu chất liệu phóng xạ Uranium của Nga. EU trừng phạt Nga nhưng vẫn không từ bỏ nhập khẩu dầu lửa và khí đốt từ Nga.

Saudi Arabia đâu có vì Mỹ mà tăng sản lượng khai thác và xuất khẩu dầu lửa hàng ngày nhằm giảm giá dầu lửa trên thị trường. Ông Kishida cũng đâu có vì Ấn Độ không trừng phạt Nga như Nhật Bản mà không thúc đẩy mạnh mẽ hơn trước mối "Quan hệ đối tác toàn cầu và chiến lược đặc biệt" giữa Nhật Bản và Ấn Độ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần