Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

London-Paris leo thang căng thẳng vì tranh chấp nghề cá, Anh triệu Đại sứ Pháp

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - London đã yêu cầu hai tàu tuần tra của Hải quân Hoàng gia Anh chuẩn bị sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ nếu căng thẳng leo thang dẫn đến việc các tàu cá của ngư dân Pháp phong tỏa các cảng của Anh.

Chính phủ Anh hôm 28/10 cho biết đã triệu tập Đại sứ Pháp tại Anh, đồng thời ra lệnh cho hai tàu tuần tra của Hải quân Hoàng gia Anh sẵn sàng thực thi nhiệm vụ trong bối cảnh tranh chấp nghề cá Paris-London tiếp tục leo thang, dẫn đến việc các tàu cá của ngư dân Pháp phong tỏa các cảng của Anh, đặc biệt tại đảo Jersey. 
 Tàu cá của Anh bị phía Pháp bắt giữ sáng 28/10. Ảnh: The Guardian
Trước đó, Pháp công bố một loạt biện pháp trừng phạt mà nước này có thể áp dụng từ ngày 2/11 tới nếu không đạt được tiến bộ trong tranh cãi với Anh về vấn đề quyền đánh cá hậu Brexit. Theo người phát ngôn Chính phủ Pháp Gabriel Attal, phía Pháp mới chỉ nhận được một nửa số giấy phép cần cấp cho các tàu cá nước này hoạt động tại vùng biển của Anh theo hạn ngạch trong thỏa thuận về đánh bắt cá mà London đã ký với Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng 12/2020.
Trong tuyên bố đưa ra ngày 28/10, người phát ngôn của chính phủ Anh nói rằng London quan ngại trước những lời lẽ đối đầu từ phía chính phủ Pháp và đã bày tỏ sự quan ngại này với cả chính phủ Pháp lẫn Ủy ban châu Âu, đồng thời yêu cầu Bộ trưởng phụ trách châu Âu của Anh Wendy Morton triệu tập Đại sứ Pháp tại Anh.
Động thái này là bước leo thang căng thẳng tiếp theo trong quan hệ giữa Anh và Pháp sau khi trong sáng ngày 28/10, phía Pháp bắt giữ một tàu đánh cá của Anh hoạt động tại vịnh Seine ở bờ biển vùng Normandie, phía Tây Bắc của Pháp, với lý do đánh bắt cá không giấy phép, đồng thời cảnh cáo một tàu cá khác của Anh.
Ngày 28/10, Bộ trưởng Phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp, ông Clément Beaune cho rằng, Paris phải hành động cứng rắn vì London đang từ bỏ nghĩa vụ duy trì quyền tiếp cận của ngư dân Pháp đối với vùng biển ven biển của mình.
Đầu tuần này, Ủy ban châu Âu cho biết chính phủ Vương quốc Anh đã chấp thuận 15 trong số 47 đơn đăng ký cho các tàu thuyền của Pháp hoạt động trong vùng biển ven biển của Vương quốc Anh. Trong khi đó, 15 đơn đăng ký khác đang được chính phủ Anh xem xét, và Pháp đã rút lại 17 đơn đăng ký vì cho rằng “tài nguyên nghèo nàn”. Tuy nhiên, quan ngại hiện tại của các nhà chức trách Pháp là số lượng lớn các tàu thuyền đăng ký đánh bắt cá ở vùng biển ngoài khơi Jersey đã bị chính quyền hòn đảo này từ chối.
Phía London cũng lên tiếng phản đối động thái của Paris khi nói rằng việc chặn các tàu cá Anh tiếp cận các cảng của Pháp là "không tuân thủ luật pháp quốc tế". Chính quyền London nói rằng các biện pháp từ phía Pháp là hoàn toàn không phù hợp và là điều mà nước Anh không chờ đợi từ một quốc gia đồng minh. Phía Anh cũng đã tuyên bố đáp trả xứng đáng với phía Pháp nhưng cho biết vẫn duy trì các kênh liên lạc để nắm rõ tình hình và hạ nhiệt căng thẳng.
Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết Đại sứ Anh tại Paris và Bộ trưởng Môi trường Anh George Eustice đã liên lạc Bộ trưởng Phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp Clément Beaune.
Thỏa thuận hậu Brexit đạt được giữa Anh và EU có điều khoản quy định ngư dân các nước EU được tiếp tục đánh bắt ở một số vùng biển của Anh với điều kiện họ phải có giấy phép, được cấp nếu họ có thể chứng minh đã đánh bắt tại những ngư trường này từ trước đó... Tuy nhiên, Pháp và Anh không đạt được nhất trí về vấn đề này. Tại các khu vực đánh bắt vẫn còn tranh chấp (cách bờ biển Anh và quần đảo Eo biển Manche 9,6-19 km), Anh và hòn đảo tự trị Jersey do London quản lý đã cấp tổng cộng hơn 200 giấy phép còn hạn, trong khi Pháp yêu cầu cấp 244 giấy phép.
Các tranh chấp nghề cá hiện nay khiến quan hệ Anh-Pháp leo thang căng thẳng trong bối cảnh quan hệ song phương rạn nứt nghiêm trọng vì việc Anh cùng Mỹ và Australia thành lập liên minh an ninh AUKUS khiến Australia đơn phương hủy bỏ hợp đồng mua 12 tàu ngầm của Pháp./.