Ngày 20/9, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố nới lỏng mới về nhập cảnh. Theo đó, từ tháng 11 tới, người từ Liên minh châu Âu (EU) và Anh nếu đã được tiêm chủng đầy đủ vaccine ngừa Covid-19, có xét nghiệm âm tính và dữ liệu truy vết tiếp xúc sẽ có thể đến Mỹ.
Jeffrey Zient, điều phối viên Covid-19 cho Tổng thống Mỹ Joe Biden, nói rằng "cách tiếp cận nhất quán" mới sẽ có hiệu lực vào đầu tháng 11 tới, theo đó để các hãng hàng không và các đối tác du lịch có thời gian chuẩn bị triển khai quy định mới.
Mỹ sẽ dỡ bỏ các hạn chế đi lại từ thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump cho Anh và EU. Ảnh: Skynews |
Tuyên bố trên từ Nhà Trắng sẽ đánh dấu sự kết thúc của lệnh cấm đi lại do chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump áp đặt cách đây hơn 18 tháng khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Quyết định dỡ bỏ lệnh hạn chế đi lại này được đưa ra sau sự vận động hành lang tích cực từ Brussels và London.
Theo chính sách hiện tại, chỉ những công dân Mỹ, gia đình ruột thịt, người có thẻ xanh và những người được miễn trừ lợi ích quốc gia (NIE) mới có thể nhập cảnh vào Mỹ nếu họ đã ở Anh hoặc EU trong hai tuần trước đó. Hạn chế này khiến EU và Anh nhiều lần chỉ trích Mỹ. EU tuần trước khuyến nghị các quốc gia thành viên áp lệnh hạn chế đi lại với du khách Mỹ, những người trước đó được tự do nhập cảnh nếu đã tiêm chủng.
Ngoài Vương quốc Anh và 26 quốc gia Schengen ở châu Âu, lệnh dỡ bỏ hạn chế đi lại cũng sẽ áp dụng cho Ireland, Trung Quốc, Iran, Brazil, Nam Phi và Ấn Độ.
Theo ông Jeffrey Zient, du khách quốc tế sẽ cần cung cấp bằng chứng tiêm phòng đầy đủ và xét nghiệm Covid-19 âm tính trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành.
Động thái này nằm trong khuôn khổ hệ thống du lịch mới của Mỹ, bao gồm các quy tắc cập nhật về truy vết tiếp xúc và khẩu trang, có nghĩa là những người Mỹ chưa tiêm chủng sẽ phải đối mặt với các yêu cầu kiểm tra nghiêm ngặt hơn.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ phủ nhận sự thay đổi trong chính sách nhập cảnh trên là nỗ lực nhằm xoa dịu châu Âu sau khi hiệp ước an ninh mới 3 bên Mỹ, Anh và Australia (AUKUS) được công bố. Hiệp ước này khiến Pháp bị mất hợp đồng bán tàu ngầm trị giá hàng chục tỷ USD ký năm 2016 với Australia.
Phát biểu với báo giới hôm 20/9, Erica Barks-Ruggles - một quan chức cấp cao của Cơ quan Các vấn đề Tổ chức Quốc tế, khẳng định: “Động thái này thực sự xuất phát từ cơ sở khoa học về Covid-19 và khi ngày càng có nhiều người được tiêm chủng trên khắp thế giới, chúng tôi muốn mọi người có thể đi lại tự do hơn".
Giám đốc điều hành của hãng hàng không British Airways Sean Doyle cho biết quyết định mới nhất của Mỹ “đánh dấu một thời điểm lịch sử và là một lực đẩy quan trọng cho đà phục hồi của ngành hàng không nước này sau khi kiểm soát thành công dịch Covid-19”.
Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), với 290 hãng hàng không thành viên và chiếm 82% lượng du lịch hàng không toàn cầu, đánh giá động thái nới lỏng hạn chế đi lại của Mỹ là “một bước tiến lớn”.
“Quyết định này sẽ đem lại việc làm cho hàng triệu người vốn phụ thuộc vào du lịch toàn cầu và sẽ giúp thúc đẩy đà phục hồi kinh tế thế giới”, Tổng giám đốc IATA Willie Walsh nói.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng hoan nghênh quyết định mới nhất của Nhà Trắng khi viết dòng tweet: "Đó là một sự thúc đẩy tuyệt vời cho kinh doanh và thương mại, và thật tuyệt khi các gia đình và bạn bè ở Anh và Mỹ có cơ hội được đoàn tụ".
Phố Downing ca ngợi quyết định này là kết quả từ cuộc họp kéo dài 2 tuần của "lực lượng đặc nhiệm du lịch" song phương.
“Thông báo nới lỏng lệnh nhập cảnh hôm nay là một tin tuyệt vời cho các gia đình và doanh nghiệp ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương. Chúng tôi cám ơn việc Mỹ đã ghi nhận những tiến bộ mà Anh đã đạt được trong cuộc chiến chống Covid-19, bao gồm tỷ lệ tiêm ngừa vaccine cao và số ca bệnh giảm” - Đại sứ Anh tại Washington Dame Karen Pierce chia sẻ./.