London và Tehran đang vướng vào cuộc đối đầu căng thẳng

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - London và Tehran đang vướng vào một cuộc đối đầu căng thẳng sau vụ bắt giữ tàu chở dầu Stena Impero của Anh bởi Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran, diễn ra hôm 19/7 tại eo biển Hormuz - được xem là điểm nóng nhất khu vực Trung Đông lúc này.

Thuyền của Vệ binh cách mạng Iran đi bên cạnh tàu chở dầu Stena Impero của Anh tại cảng Bandar Abbas hôm 21/7.
Chỉ 2 ngày sau khi Lãnh tụ tối cao của Iran, Ayatollah Ali Khamenei, cáo buộc Anh là “cướp biển” khi bắt giữ tàu chở dầu Grace 1 của nước này ở ngoài khơi Gibraltar, quân đội Iran đã có động thái trả đũa tương tự, với lý do “vi phạm các quy tắc hàng hải quốc tế”. Giới chuyên gia nhận định, người Iran đã thực hiện thành công bước đi thử nghiệm phân vùng chính trị, đặc biệt là giữa bối cảnh mối quan hệ đồng minh Mỹ - châu Âu lúc này.
Pháp và Đức đã nhanh chóng lên tiếng thể hiện sự ủng hộ của họ đối với Anh bằng cách yêu cầu Iran sớm trả tự do cho con tàu Stena Impero hôm 20/7. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ nói chuyện với London về vụ việc, tuy nhiên đã không quên nhấn mạnh một thực tế rằng, nước Anh sắp tới sẽ có một Thủ tướng mới để hợp tác cùng ông. Phản ứng của Tổng thống Mỹ không phải bất ngờ, khi mối quan hệ của ông Trump với bà Theresa May - Thủ tướng sắp mãn nhiệm của Anh - đã xấu đi trong thời gian qua.
Thêm vào đó, mặc dù Mỹ không ngừng siết chặt các lệnh trừng phạt kinh tế nặng nề nhằm giảm xuất khẩu dầu của quốc gia Hồi giáo về mức 0, nhưng dường như Washington lại không cho thấy sự lường trước để ứng phó với các khả năng trả đũa từ Tehran. Diễn biến căng thẳng vùng Vịnh kéo dài một tháng qua, bao gồm cả trường hợp loạt tàu chở dầu của Ả Rập Saudi bị tấn công mà Iran bị cáo buộc là thủ phạm, đã nhấn mạnh đến vấn đề đảm bảo an ninh cho các tàu thương mại qua eo biển Hormuz đang ngày càng bị đe dọa.
Ngay cả NATO cũng đã im lặng về vụ bắt giữ hôm 19/7 vừa qua - được cho là dường như đang chờ động thái từ Washington trước khi đưa ra một tuyên bố. Chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Trump cũng từng nhiều lần phàn nàn về sự thiếu đóng góp tài chính của các thành viên NATO so với GDP của các nước này. Sự thất vọng của Washington là rõ ràng khi nhấn mạnh rằng, các quốc gia phải chia sẻ gánh nặng kiểm soát eo biển Hormuz. Lấy ví dụ về việc Mỹ đã gửi một hạm đội máy bay chiến đấu tàng hình và binh lính tới Ả Rập Saudi theo yêu cầu của Vua Salman, nhưng đó là khi người Saudi đã cam kết sẽ chia sẻ chi phí cho các hoạt động quân sự trong trường hợp xung đột xảy ra.
Ngoại trưởng Anh nhấn mạnh sau vụ bắt giữ, rằng phương Tây cần thúc đẩy một thỏa thuận đường thủy quốc tế để tránh tái diễn tình huống tương tự. Tuy nhiên, quan điểm “có đi có lại” của Washington lúc này phần nào đã biến hầu hết các đồng minh của Mỹ thành những khán giả thụ động, thay vì là những người tham gia trong một chính sách mạch lạc. Iran có lẽ cũng đã nhắm đến tình trạng phân mảnh của phương Tây hiện nay cho các hành động tiếp theo của mình, đặc biệt là khi bị Mỹ dồn vào chân tường.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần