Các nhà khoa học cảnh báo, khả năng gây ra thiệt hại môi trường nghiêm trọng nhất trong nhiều thập niên.
Tàu chở dầu Sanchi của Iran va chạm với tàu CF Crystal của Trung Quốc khi đang di chuyển từ Iran về Hàn Quốc, mang theo 136.000 tấn dầu siêu nhẹ, tương đương gần 1 triệu thùng dầu. Đến trưa 14/1, con tàu bất ngờ phát nổ và chìm hoàn toàn xuống đáy biển. Cơ quan quản lý đại dương quốc gia Trung Quốc cho biết, đã phát hiện nhiều vệt dầu loang gần nơi tàu chìm và lan rộng hơn nhiều so với những ngày trước.
Cụ thể, cơ quan này phát hiện một vệt dầu dài tới 14,8km ở cách khu vực tàu chìm vào sáng 15/1 và một vệt dầu khác dài tới 18,2km ở phía Đông chiều cùng ngày. Hiện tại, theo cơ quan chức năng Trung Quốc, lượng dầu loang đã được xác định khoảng 135km2, tăng gấp 17 lần so với diện tích 10km2 của ngày hôm trước.
Dự báo, các vệt dầu loang sẽ mở rộng lên hướng Bắc do ảnh hưởng của gió và các dòng biển. Hiện tại, do tàu chở dầu Iran đã chìm, công tác tìm kiếm và cứu hộ đã chấm dứt và chuyển sang công tác dọn sạch dầu loang trên mặt biển. Hai con thuyền đã được điều động để phun hóa chất phân rã dầu. Tuy nhiên, việc kiểm soát dầu siêu nhẹ, vốn độc và dễ nổ hơn dầu thô thông thường không dễ dàng. Loại dầu này thường bay hơi hoặc tan vào nước khi tiếp xúc với không khí hoặc bị tràn không kiểm soát. Dưới dạng lỏng, dầu siêu nhẹ không có màu và gần như không mùi. Do đó, các vệt loang thường khó nhìn thấy bằng mắt thường, gây khó khăn cho việc xử lý.
Mức độ thiệt hại môi trường và diện tích tràn dầu vẫn chưa được xác định cụ thể nhưng dựa trên khối lượng dầu tàu Sanchi đem theo, có khả năng cao đây sẽ là vụ tràn dầu kinh hoàng nhất từ năm 1991 khi 260.000 tấn dầu loang khắp bờ biển Angola. Giới chuyên gia cảnh báo, vụ tràn dầu từ tàu chở dầu Sanchi bị chìm của Iran có thể gây ra thảm họa về môi trường do dầu tràn chứa độc tố có thể gây hại cho sinh vật biển. Ông Ma Jun - Giám đốc Viện Các vấn đề Công cộng và Môi trường, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Bắc Kinh, Trung Quốc cảnh báo, trên tàu Sanchi có chở một loại dầu siêu nhẹ là dầu ngưng tụ độc đối với các sinh vật biển. Loại dầu này không tạo thành bề mặt trơn láng trên mặt nước như dầu thô mà tạo ra những chùm chất hydrocarbon độc hại ở dưới mặt nước, không thể quan sát từ phía trên.
Tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace) của Canada cho biết, biển Hoa Đông là một ngư trường có sản lượng lớn và tình trạng tràn dầu có thể ảnh hưởng đến các loài cá sinh sống tại đây. Richard Steiner, một chuyên gia về dầu tràn ở Alaska, Mỹ nhận định, chắc chắn rằng các chất độc hại từ lượng dầu siêu nhẹ đã chìm dưới đáy biển sẽ gây tổn thương cho các loài sinh vật biển. "Ngay cả phần dầu loang bị đốt cháy cũng sẽ để lại một chất dư lượng độc hại trên mặt nước" - ông Steiner nói thêm.