Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lý do khiến EU chưa thể giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu Nga

Nguyễn Thu (Theo AFP)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù đã nhiều lần cam kết giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga nhưng hiện Liên minh châu Âu dường như còn phụ thuộc hơn bao giờ hết vào nguồn khí đốt của Moscow, đặc biệt chưa có dấu hiệu đảo ngược xu hướng này.

Nền kinh tế Nga đã thực sự cảm nhận được các hậu quả từ các lệnh cấm vận kinh tế từ Hội đồng châu Âu. Tuy nhiên, lĩnh vực năng lượng là mảng ít chịu thiệt hại nhất bởi các lệnh cấm vận từ Liên minh châu Âu (EU), và điều này đã được thể hiện rõ nét thông qua các con số thống kê của Tập đoàn dầu khí Gazprom của Nga.
 Nhu cầu tiêu thụ khí đốt Nga của các nước châu Âu đang ngày càng tăng. 
Báo cáo của Gazprom cho biết, trong tháng 1/2018, tập đoàn này đã hoàn thành hợp đồng xuất khẩu sang châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ với tổng giá trị kỷ lục là 193,9 tỷ mét khối khí, cao hơn 8% so với mức kỷ lục trước đó được lập vào năm 2016.
Theo số liệu của Gazprom, lượng xuất khẩu khí đốt sang Đức và Áo đã đạt mức cao lịch sử và xuất khẩu sang Pháp tăng 6,7% so với năm 2016.
Mức tăng kỷ lục này không chỉ đem lại nguồn tài chính khổng lồ cho Gazprom, mà còn là một thắng lợi chính trị vào thời điểm mối quan hệ ngoại giao giữa Nga và EU đang ở mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Chủ tịch Gazprom Alexei Miller nhấn mạnh: "Các số liệu này cho thấy nhu cầu tiêu thụ khí đốt Nga của các nước châu Âu đang ngày càng tăng, đồng thời thể hiện lòng tin vào những đơn vận này trong các giao dịch".
Trước đó 10 năm, chính EU đã đưa ra tuyên bố về kế hoạch “giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu Nga”. Mặc dù vậy, việc mua bán khí đốt giữa Nga với phương Tây vẫn tiếp tục tăng trưởng.
Brussels đặt mục tiêu đa dạng hóa nguồn năng lượng sau một loạt cuộc khủng hoảng khí đốt xảy ra giữa MoscowKiev tác động đến nguồn cung dầu cho châu Âu. Trong khi đó, sự đa dạng hóa trở nên dễ thành công hơn với sự phát triển của thị trường khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), thường được vận chuyển bằng tàu hơn là bằng đường ống, cho phép việc nhập khẩu các nguồn cung từ Qatar và thậm chí là Mỹ.
Tuy nhiên, có nhiều yếu tố khiến lượng tiêu thụ khí đốt của Nga gia tăng kỷ lục. Valery Nesterov, nhà phân tích dầu mỏ và khí đốt thuộc Ngân hàng Sberbank CIB của Nga lý giải nhu cầu khí đốt của EU nhập từ Nga tăng mạnh bởi kinh tế các nước châu Âu đang phục hồi và do giá khí đốt trở nên "cạnh tranh hơn" so với giá than đá.
Bên cạnh đó, các nguyên nhân khác cũng góp phần làm gia tăng nhu cầu khí đốt ở châu Âu bao gồm mùa Đông đến, sự suy giảm sản lượng khí đốt của châu Âu và việc đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân.
Nhận định về khả năng Nga giảm xuất khẩu dầu khí sang EU trong năm nay sau mức tăng kỷ lục trong năm 2017, nhà phân tích Nesterov cho rằng chưa thấy xuất hiện dấu hiệu rằng xu hướng chung sẽ thay đổi. "Gazprom sẽ tiếp tục giữ được thị phần ở EU", ông Nesterov nói thêm.
 Nhu cầu khí đốt của EU nhập từ Nga tăng mạnh bởi kinh tế các nước châu Âu đang phục hồi. Ảnh: AP
Trong khi đó, Thierry Bros, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu năng lượng Oxford nhấn mạnh: "Thị trường châu Âu chọn nguồn khí đốt rẻ nhất để sản xuất và sử dụng, đó là khí đốt của Nga. Châu Âu được đánh giá đang quá phụ thuộc vào nguồn khí đốt Nga nhưng họ chưa làm gì để thay đổi thực tế này.
"Chúng ta có thể nói rằng các biển báo giới hạn tốc độ được đặt ra nhưng nó không đạt hiệu quả vì không có biện pháp kiểm tra tốc độ. Có các cơ chế được quy định nhưng không có gì để xác nhận rằng chúng được tôn trọng", ông Bros nói thêm.
Gần đây, Nga đã thực hiện một "bước tiến quan trọng" vào thị trường khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) khi đặt trạm LNG Yamal ở Bắc cực. Dự án Yamal, do công ty sản xuất khí đốt Novatek của Nga làm chủ đầu tư cùng sự hỗ trợ của công ty Total (Pháp), sẽ cung cấp khí đốt cho cả châu Âu và châu Á thông qua các tuyến đường biển.