Phát biểu với báo giới ngày 27/12, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak nói rằng sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ, các cuộc chiến thương mại, cùng với sự khó đoán định về các chính sách của chính quyền Mỹ là những nguyên nhân chính khiến giá dầu thế giới biến động trong 2 năm gần đây.
Ông Novak nói thêm rằng quyết định của Mỹ trong việc miễn trừ cho một số nước được tiếp tục mua dầu mỏ của Iran sau khi áp đặt lệnh trừng phạt lên Tehran là một trong những yếu tố chính đằng sau thỏa thuận nhất trí cắt giảm sản lượng khoảng 1,2 triệu thùng/dầu đạt được hồi đầu thàng này.
Trước đó, hôm 7/12, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng với các nước sản xuất dầu hàng đầu khác, dẫn đầu là Nga, nhất trí cắt giảm sản lượng kể từ tháng 1/2019 nhằm vực dậy giá “vàng đen”.
Theo Bộ trưởng Novak, hiện rất khó để OPEC và các nhà sản xuất dầu chủ chốt khác có thể thiết lập được một cơ chế phối hợp chung vĩnh viễn.
Ông Novak cho biết Nga sẽ cắt giảm sản lượng 3-5 triệu tấn trong nửa đầu năm 2019 theo thỏa thuận cắt giảm sản xuất dầu mỏ và sau đó có thể sản xuất ở mức 556 triệu tấn (khoảng 11,12 triệu thùng/ngày) trong cả năm tới, bằng với mức của năm 2018.
Moscow có khả năng tăng sản lượng hằng năm thêm 10-15 triệu tấn (200.000-300.000 triệu thùng/ngày) trong 2 năm tới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần chỉ trích mạnh OPEC, yêu cầu tổ chức này hành động để giảm giá dầu.
Tuy nhiên, việc giá dầu đã biến động, giảm hơn 30% giá trị trong quý IV một phần cũng do sản lượng dầu của Mỹ tăng mạnh.
Mỹ - quốc gia vốn không tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng cùng OPEC và đồng minh, hiện đang bơm khoảng 11,6 triệu thùng dầu/ngày, nhiều hơn sản lượng dầu mỏ của Ả Rập Saudi và Nga.