Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lý giải cho việc Nga, Iran "không hề hấn" trước lệnh trừng phạt

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bất chấp các lệnh trừng phạt hiện có đối với ngành dầu mỏ của Iran, dầu từ nước này vẫn được vận chuyển đến Trung Quốc với khối lượng kỷ lục.

Javier Blas, bình luận viên Chuyên mục năng lượng và hàng hóa của Bloomberg, gần đây đã mô tả việc dầu của Iran được đưa đến Trung Quốc theo "đường ngầm". 

Nhờ đội tàu chở dầu chưa đăng ký, Nga đã lách các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với ngành dầu mỏ của nước này. Ảnh: Reuters
Nhờ đội tàu chở dầu chưa đăng ký, Nga đã lách các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với ngành dầu mỏ của nước này. Ảnh: Reuters

"Trung Quốc có thể không nhập khẩu bất kỳ loại dầu nào từ Iran. Không một thùng. Thay vào đó, họ nhập khẩu rất nhiều dầu thô của Malaysia. Nhiều đến mức, theo dữ liệu hải quan chính thức của Trung Quốc, bằng cách nào đó họ mua được nhiều hơn gấp đôi lượng dầu Malaysia sản xuất ra."

Bằng cách đổi tên thương hiệu dầu Iran, Malaysia đã trở thành nhà cung cấp dầu nước ngoài lớn thứ 4 của Trung Quốc vào năm ngoái, sau Ả Rập Saudi, Nga và Iraq.

Trong nhiều năm, Iran đã thông qua Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) để lách các lệnh trừng phạt. Dubai, một trong bảy tiểu vương quốc của UAE, là cửa ngõ của hàng hóa bị cấm, bên cạnh dầu của Iran. Tehran từ lâu đã thay đổi chuỗi cung ứng để hầu như mọi thứ bị Mỹ hoặc Liên minh châu Âu cấm vận đều có thể có được thông qua các trung tâm thương mại và tài chính như Dubai.

Với các trừng phạt của phương Tây liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine, Nga đã phải thiết lập các tuyến thương mại tương tự để đảm bảo nguồn cung ổn định hàng hóa quan trọng cho nền kinh tế.

Các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ ở Trung Á cũng là nơi lý tưởng để hỗ trợ lách các lệnh cấm vận, do Kazakhstan hay Kyrgyzstan là một phần của liên minh thuế quan với Moscow. Hơn nữa, khoảng cách quá xa – chỉ riêng Kazakhstan có chung đường biên giới với Nga dài hơn 7.500 km – khiến việc kiểm soát các biện pháp trừng phạt hầu như không thể thực hiện được.

Ví dụ, để giúp Nga chống chịu các lệnh trừng phạt, Armenia đã ghi nhận kim ngạch ​​nhập khẩu ô tô và linh kiện từ Đức tăng gần 1.000% vào năm ngoái.

Do vậy, nền kinh tế Nga vẫn đứng vững. Theo Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov, nước này đã đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ 3,6% vào năm ngoái và Điện Kremlin kỳ vọng tốc độ tăng trưởng năm 2024 sẽ “ở mức tương tự”.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế chia sẻ kỳ vọng tăng trưởng của Nga, dự báo tốc độ tăng trưởng GDP ở mức 3,2% và lưu ý rằng chi tiêu và đầu tư nhà nước cao liên quan đến cuộc chiến chống Ukraine sẽ thúc đẩy tăng trưởng. Nguồn thu mạnh từ xuất khẩu dầu sẽ tiếp tục hỗ trợ tài chính cho Moscow.

Nga phải chịu hơn 5.000 lệnh trừng phạt có mục tiêu khác nhau - nhiều hơn số lệnh trừng phạt đối với Iran, Venezuela, Myanmar và Cuba cộng lại. 

Các biện pháp trừng phạt tài chính đã hạn chế khả năng tiếp cận thị trường tài chính quốc tế của các ngân hàng Nga, loại họ khỏi hệ thống ngân hàng SWIFT, nơi cung cấp hầu hết các giao dịch chuyển tiền và chứng khoán quốc tế.

Ngoài ra, ngân hàng trung ương Nga bị từ chối truy cập vào nguồn dự trữ khổng lồ của mình ở các nước G7.

Điều đáng chú ý là chỉ có các biện pháp trừng phạt do Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc áp đặt mới có tính ràng buộc về mặt pháp lý đối với tất cả các quốc gia trên thế giới. Và thực sự có một số quốc gia như Ấn Độ, Brazil và Trung Quốc chưa tuân thủ các biện pháp trừng phạt này, theo cây viết Thomas Kohlmann của hãng tin Đức DW.

Giải pháp thay thế 

Vậy tại sao các quốc gia phương Tây vẫn áp dụng các biện pháp trừng phạt mà họ không thể thực thi?

Christian von Soest, chuyên gia về tại Viện Nghiên cứu Khu vực và Toàn cầu của Đức, cho biết: “Nếu không áp dụng các biện pháp trừng phạt, đó gần giống như sự hỗ trợ ngầm". 

Là tác giả của cuốn sách xuất bản năm 2023 có tựa đề “Các lệnh trừng phạt: Vũ khí mạnh mẽ hay Cơ chế bất lực?”, von Soest nói với DW rằng Mỹ và châu Âu cần “tăng cường các biện pháp để buộc Nga và Iran thay đổi hành vi”.

Theo báo cáo của The Wall Street Journal, Washington đang lên kế hoạch nhắm mục tiêu vào một số ngân hàng Trung Quốc để đảm bảo các lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ có tác dụng. Tờ báo dẫn nguồn tin giấu tên cho biết, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn loại Bắc Kinh khỏi hệ thống tài chính toàn cầu nhằm ngăn chặn dòng tài chính tài trợ cho Nga.

Tại EU, đặc phái viên về lệnh trừng phạt - David O'Sullivan từ Ireland - đã được bổ nhiệm vào tháng 1 năm ngoái để tham gia vào các nỗ lực ngoại giao nhằm thực thi chế độ trừng phạt của khối.