Khi còn giữ vị trí Bộ trưởng Kinh tế Pháp, ông Emmanuel Macron năm 2015 từng nhận định rằng chính trị Pháp thiếu sự hiện diện của một vị vua.
Và khi đắc cử năm 2017, tân Tổng thống tuyên bố sẽ thúc đẩy các cải cách tự do và khôi phục phẩm giá của nước Pháp.
Ông Emmanuel Macron tuyên bố chiến thắng trước những người ủng hộ. |
18 tháng sau, "quốc vương" mới đã phải đối mặt với một cuộc nổi dậy với cái tên phong trào “Áo vàng”. Điện Champs-Elysees đã bùng nổ khi những người biểu tình mặc vest vàng đụng độ với cảnh sát chống bạo động.
Các cuộc biểu tình đã tạo ra sự chia rẽ sâu sắc của Pháp, giữa giới tinh hoa đô thị và người nghèo ở nông thôn, những người chiến thắng và kẻ thua cuộc trong tiến trình toàn cầu hóa.
Quá trình lên nắm quyền của ông Macron vốn “có nợ” với nhà lãnh đạo cực hữu, Marine Le Pen. Trong vòng đầu tiên của cuộc bầu cử tổng thống, ông Macron chỉ giành 25% số phiếu. Kết quả này đưa ông đối đầu với bà Le Pen trong vòng thứ hai. Nhiều cử tri ủng hộ ông chỉ vì muốn “hất cẳng” đảng Mặt trận Quốc gia khỏi vòng đua.
Có lập luận cho rằng rằng chương trình nghị sự tự do không phải lý do khiến ông Macron giành chiến thắng trong cuộc bầu cử mà là nỗi sợ của sự thay thế, cũng như nghi vấn đây có thực sự là người đàn ông mà dân Pháp lựa chọn hay không?
"Vị vua" non trẻ
Con đường sự nghiệp của ông Macron làm nức tiếng giới tinh hoa toàn cầu. Ông tu nghiệp tại ngôi trường danh tiếng bậc nhất nước Pháp - Ecole Nationale d'Administration (ENA) và trở thành chuyên viên trẻ nhất ở tuổi 32 của nhà băng Rothschild.
Đây là nền tảng củng cố niềm tin của ông Macron rằng đức tính chăm chỉ và kiên trì sẽ giúp ông đạt mọi mục tiêu. Sau khi đắc cử, Tổng thống Pháp năng động đã không thể thực hiện kế hoạch đầy tham vọng nhằm cải tổ đất nước như đã cam kết.
Người biểu tình thuộc phong trào "Áo vàng". |
Thay vào đó, ông Macron đã thúc đẩy một cuộc cải cách đường sắt thiếu ảnh hưởng, nới lỏng luật lao động, cắt giảm thuế tài sản để khuyến khích những người có thu nhập cao gửi tiền ở Pháp. Giới phê bình nhanh chóng gọi ông là "Tổng thống của người giàu". Trong suốt mùa hè năm 2018, một loạt các vụ tương tác với công chúng vụng về đã làm giảm uy tín của ông Macron, trước khi các cuộc biểu tình "Áo vàng" làm “giọt nước tràn ly”.
Vào tháng 6, ông Macron chỉ trích một thiếu niên vì đã táo tợn gọi ông bằng biệt danh "Manu". Video clip của vụ việc được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội và trớ trêu là cộng đồng mạng bày tỏ thông cảm với thiếu niên trong khi cáo buộc ông Macron. Vài tháng sau, trong chuyến thăm Đan Mạch, ông Macron mô tả người Pháp "chẳng màng đến sự thay đổi". Các chính trị gia đối lập ở Pháp khẳng định tuyên bố này "xúc phạm bản sắc Pháp" và thể hiện sự "khinh miệt" đối với người dân.
Dù ông Macron sau đó thừa nhận sai lầm, nhưng thiệt hại cho uy tín của ông thì không đong đếm được.
Không lâu sau, ông Macron “động chạm” cộng đồng người thất nghiệp ở Pháp khi vào tháng 9, khẳng định với một người làm vườn thất nghiệp 25 tuổi cho rằng tìm việc rất dễ dàng. Video ông Macron lên lớp người đàn ông trẻ đã khiến các nhà phê bình một lần nữa tố cáo ông chủ điện Elysee “không hiểu người dân”.
Hành động được cho là kiêu ngạo và thiếu nhận thức cùng chương trình cải cách kinh tế tự do hóa của ông Macron đã thúc đẩy sự bất mãn của chủ nghĩa dân túy trong giai đoạn cuối năm.
Giọt nước tràn ly?
Bốn tuần sau khi video clip ông Macron trao đổi với người làm vườn xuất hiện trên mạng xã hội, Jacline Moraud, công dân Pháp 51 tuổi đã đăng một video ngắn lên Facebook phản đối dự thảo tăng thuế nhiên liệu. Video được hơn 6 triệu lượt xem và bà Mouraud trở thành một trong những người phát ngôn không chính thức đầu tiên cho phong trào “áo vàng”.
Sáu tuần liên tiếp của các cuộc biểu tình bạo lực leo thang sau đó khiến hàng ngàn người bị bắt, 10 người thiệt mạng và các khu phố đắt đỏ nhất của Paris bị phá hoại. Trong một nỗ lực làm dịu cơn giận của đội ngũ “Áo vàng”, ông Macron thừa nhận mình đã "làm tổn thương mọi người" bằng lời nói, đồng thời tuyên bố nhượng bộ với hình thức hỗ trợ tài chính cho người nghèo. Các biện pháp dường như đã kiềm chế được phong trào biểu tình.
Câu hỏi đặt ra cho Tổng thống Macron hiện giờ là liệu ông có thể giành lại niềm tin của người dân Pháp hay không? Ông Macron hiện đang nỗ lực lắng nghe người dân hơn và cùng với những nhượng bộ, ông tuyên bố tham vấn 6 tháng với các thị trưởng, ủy viên hội đồng địa phương, DN, công đoàn để thảo luận các cải cách kinh tế mới.
Nhưng dù ông Macron có thể giành lại lòng tin người Pháp thì bài toán khó tiếp theo là đường hướng cải cách của ông? Nếu không thể tăng thuế nhiên liệu, làm thế nào ông Macron có thể xem xét các biện pháp đã hứa hẹn khác như cải cách lương hưu?
Bên cạnh đó, vai trò của Pháp như một trong ba “chân kiềng” châu Âu cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Danh tiếng của ông Macron đã gây ấn tượng ở quê hương cũng như trên trường thế giới, đặc biệt là châu Âu. Nhưng thật khó để thúc đẩy cải cách trên sân chơi quốc tế khi chính “việc nhà” đang rối ren.