Một báo cáo của hãng quản lý tài sản AXA Investment Managers Asia tại Singapore có tựa đề “Châu Á: Made in Vietnam – Hiểu về sự nổi lên của Việt Nam như một cường quốc xuất khẩu”, đã lý giải vì sao Việt Nam đạt xếp hạng kinh tế cao trong khu vực, cũng như đề cập những triển vọng nâng tầm vị thế Việt Nam trong hệ sinh thái sản xuất khu vực và toàn cầu.
Mức tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong giai đoạn 2009-2020 ấn tượng so với các nước khác trong khu vực. Ảnh: AXA IM |
Gia nhập ASEAN thành công – bệ phóng cho thương mại
Mở đầu báo cáo, các tác giả khẳng định, một trong những sự phát triển kinh tế ấn tượng nhất trong nhiều thập kỷ gần đây, đó là sự hội nhập vào kinh tế toàn cầu của các nước thị trường mới nổi ở Châu Á. Trong đó, đặc biệt là tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đang nổi lên với xếp hạng cao về thành tích kinh tế, với trụ cột thúc đẩy mạnh mẽ nhờ xuất nhập khẩu.
Theo báo cáo, việc gia nhập thành công ASEAN chính là chìa khóa “kích hoạt” ngành thương mại của Việt Nam. Với nền tảng đó, Việt Nam đã tiến tới ký kết những hiệp định thương mại tự do với các nền kinh tế lớn khác bao gồm Trung Quốc, Liên minh Châu Âu, Vương quốc Anh và Nhật Bản, “tạo môi trường thuận lợi cho quan hệ thương mại ngày càng phát triển”.
Bên cạnh đó, sự gia tăng nhanh chóng về khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất cũng đã góp phần đưa Việt Nam vươn lên như một cường quốc xuất khẩu trong khu vực. Giá trị gia tăng của ngành sản xuất tăng nhiều nhất trong thập kỷ qua, gấp đôi mức tăng của Ấn Độ.
Khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất tăng nhanh cũng góp phần đưa Việt Nam trở thành cường quốc xuất khẩu trong khu vực. Giá trị gia tăng của ngành sản xuất tăng nhiều nhất trong thập kỷ qua, gấp đôi mức tăng của Ấn Độ. “Bộ Công Thương đã nhấn mạnh sự cần thiết phải ưu tiên phát triển sản xuất, cũng như thúc đẩy viễn thông và điện tử, trong 'Chiến lược Phát triển Công nghiệp' mới nhất”, báo cáo trích dẫn.
Thu hút thành công FDI – chìa khóa quan trọng
Các tác giả cũng khẳng định, Việt Nam rất thành công trong việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhờ các chính sách tạo điều kiện của Chính phủ.
Các đặc khu kinh tế ưu tiên nguồn vốn FDI đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kể từ khi Khu công nghiệp đầu tiên mở cửa tại TP Hồ Chí Minh. “Đến năm 2020, số khu công nghiệp ở Việt Nam đã tăng lên 369 khu, tăng 180% so với năm 2005”, báo cáo cho biết.
Chính phủ Việt Nam đưa ra nhiều lợi ích về thuế và hợp lý hóa các quy định tạo thuận lợi cho các tổ chức nước ngoài. Điều này đã được thể hiện qua mức tăng ấn tượng của Việt Nam trong bảng xếp hạng chỉ số “kinh doanh thuận lợi” của Ngân hàng Thế giới - tăng 23 bậc lên 70 so với giai đoạn 10 năm trước.
Khả năng cạnh tranh của ngành sản xuất được củng cố nhờ chi phí lao động thấp với dân số trẻ đang tăng nhanh, dù kinh tế phát triển mạnh. “Dòng vốn FDI của Việt Nam đã tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực,” báo cáo chỉ dẫn.
Theo bộ điểm số năng lực cạnh tranh độc quyền được tính toán dựa trên mức độ thuận lợi kinh doanh, chất lượng hậu cần, chi phí tiền lương, tăng trưởng GDP và những thay đổi trong tỷ trọng xuất khẩu và FDI, Việt Nam được coi là quốc gia cạnh tranh nhất trong khu vực, điều này đã củng cố thị phần xuất khẩu tăng ấn tượng trong những năm gần đây. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, các tác giả dự báo tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 sẽ còn kéo dài và đè nặng lên lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam, kìm hãm tốc độ chi tiêu vốn của doanh nghiệp và cản trở việc di dời chuỗi cung ứng toàn cầu.