Tình trạng khan hiếm dầu lửa và đặc biệt khí đốt đang lan rộng và ngày càng thêm nghiêm trọng. Trong bối cảnh tình hình chung như thế, nước Nga bị điểm danh và phê trách nhiều cũng như bị cáo buộc cả trực tiếp lẫn gián tiếp là sử dụng việc cung ứng khí đốt làm công cụ chính trị để xử lý quan hệ với các nước trên châu lục, trong đó có chuyện gây áp lực để buộc các thành viên EU nhanh chóng đồng ý đưa tuyến đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 đi vào hoạt động.
Phía Nga bác bỏ mọi chỉ trích và cáo buộc này, quả quyết không theo đuổi mục đích chính trị mà chỉ kinh tế, thương mại thuần tuý với việc cung ứng năng lượng cho các quốc gia châu Âu. Nhưng đúng là tình trạng khan hiếm năng lượng hiện tại trên châu lục có lợi cho Nga bởi Nga rất dồi dào về dầu lửa và khí đốt, thuộc diện những nhà cung ứng lớn nhất về dầu lửa và khí đốt cho thị trường thế giới.
Thực trạng này phản ánh mức độ lệ thuộc cao của nhiều quốc gia châu Âu vào nguồn cung ứng năng lượng từ Nga. Cũng không sai khi cho rằng tuyến đường ống Nord Stream 2 đi vào hoạt động càng sớm thì việc tăng cung ứng khí đốt cho châu Âu càng thêm dễ dàng và nhanh chóng. Nhiều đối tác ở châu Âu cho rằng Nga "tình gian" trong chuyện này chính vì thế.
Chỉ có điều phía Nga không sai gì về lý. Tập đoàn Gasprom của Nga tuy không tăng mức độ xuất khẩu khí đốt nhưng thực hiện nghiêm chỉnh và đầy đủ mọi thoả thuận và cam kết cung ứng khí đốt với tất cả các khách hàng ở châu Âu. Việc Nga ngừng cung ứng khí đốt cho Moldavia cũng không vô cớ bởi đất nước này không thanh toán tiền nợ về khí đốt đã được cung ứng cho Nga.
Có "lý ngay" luôn quan trọng và quyết định hơn bị coi là có "tình gian". Vì thế, các nước châu Âu muốn khắc phục cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại thì cần phải trao đổi và cầu cạnh Nga hơn là chỉ trích, cáo buộc và gây áp lực với Nga.