Bộ trưởng Kinh tế Malaysia, Rafizi Ramli, cho biết các nhà sản xuất chip và công ty công nghệ Trung Quốc đang thúc đẩy đầu tư vào Malaysia. Động thái này bắt nguồn từ những lo ngại về việc các mức thuế quan mới mà ông Donald Trump tuyên bố sẽ áp đặt đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc khi ông trở lại Nhà Trắng trong thời gian tới. Ông Rafizi dự báo các khoản đầu tư từ quốc gia tỷ dân có thể sẽ lên đến hàng tỷ USD trong những năm tới.
“Các công ty Trung Quốc mong muốn mở rộng phạm vi hoạt động bên ngoài thị trường nội địa. Đặc biệt, hiện tại, nhiều doanh nghiệp đang cân nhắc việc chuyển hướng sang hoạt động tại Malaysia” - ông Rafizi chia sẻ.
Việc ông Trump đe dọa sẽ áp thuế 60% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc buộc các công ty tại quốc gia này phải điều chỉnh chiến lược để giảm thiểu rủi ro và Malaysia đang là điểm đến hàng đầu với những thành tựu đáng kể trong lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là chất bán dẫn. Trong khi bang Penang ở phía Bắc nổi bật với hoạt động sản xuất chất bán dẫn, bang Johor ở phía Nam chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các trung tâm dữ liệu – tiền đề cho các ngành công nghệ cao như: trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây và tiền điện tử.
Tăng cường sức hút đầu tư từ Trung Quốc
Ông Rafizi khẳng định các sáng kiến của chính phủ Malaysia đang tạo điều kiện cho làn sóng đầu tư từ Trung Quốc. Ông cũng cảnh báo các biện pháp hạn chế bán chip tiên tiến của chính quyền ông Biden đang làm suy giảm dòng vốn đầu tư của Mỹ tại Malaysia. Điều này tạo cơ hội cho các công ty Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng.
Trong chuyến đi đến Trung Quốc vào tháng 6/2024, ông Rafizi đã gặp và làm việc với hơn 100 công ty AI, công nghệ và y sinh nhắm đánh giá cơ hội đầu tư. Nỗ lực này đã giúp Malaysia thu hút hai công ty đầu tư từ Trung Quốc trong những tháng gần đây.
Ngoài Malaysia, các công ty Trung Quốc cũng mong muốn tăng cường đầu tư vào các quốc gia khác tại Đông Nam Á trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế của quốc gia tỷ dân đang chậm lại và thương mại với Mỹ đối mặt với nhiều thách thức.
Đầu tuần này, Malaysia đã ký kết thỏa thuận với Singapore nhằm thành lập đặc khu kinh tế. Các chuyên gia nhận định khu kinh tế này dự kiến sẽ đóng góp 26 tỷ USD vào GDP hàng năm của Malaysia vào năm 2030, tạo ra 20.000 việc làm kỹ thuật cao và 50 dự án mới. Từ năm 2019 đến năm 2023, Malaysia đã thu hút 21 tỷ USD đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn và 10 tỷ USD vào các trung tâm dữ liệu. Các công ty công nghệ lớn của Mỹ như Amazon, Nvidia, Google và Microsoft đã đầu tư gần 16 tỷ USD trong năm qua, chủ yếu tập trung vào trung tâm dữ liệu tại Johor. Trong khi đó, tổng vốn đầu tư của ByteDance, chủ sở hữu TikTok và là nhà đầu tư lớn nhất củaTrung Quốc tại thị trường Malaysia, trong nhiều năm qua vào khoảng 2 tỷ USD.
Ông Rafizi cho rằng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, mặc dù gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền thương mại toàn cầu, có thể mang lại cơ hội lớn cho Malaysia trong việc đạt được mục tiêu trở thành trung tâm công nghệ cao hàng đầu khu vực cũng như trên thế giới.
Định hình lại chiến lược thu hút đầu tư
Ông Rafizi cũng lưu ý Malaysia đang chuyển từ việc chấp nhận mọi nguồn đầu tư nước ngoài sang cách tiếp cận lọc hơn . Mục tiêu là tập trung vào những khoản đầu tư tạo ra giá trị gia tăng cao, giúp cải thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ nội địa, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế quốc gia.
“Những áp lực thuế quan từ Mỹ đã vô tình giúp Malaysia thu hút được các khoản đầu tư dài hạn từ những công ty Trung Quốc. Chúng tôi đang dần khẳng định vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu” - ông nhấn mạnh.