Mầm non ngoài công lập và nguy cơ thiếu trường, thiếu giáo viên sau mùa dịch

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Trong khi các cấp học khác học trực tuyến thì cấp mầm non nghỉ tại nhà, duy trì các hoạt động kết nối suốt 8 tháng nay. Trẻ không đi học, trường đóng cửa, giáo viên mầm non ngoài công lập không có thu nhập. Bối cảnh đó dẫn đến hệ quả tất yếu: Nhiều cơ sở mầm non tư thục giải thể và không ít giáo viên chuyển nghề.

Giáo viên mầm non ngậm ngùi chuyển nghề
Giáo viên mầm non ngoài công lập chuyển nghề là câu chuyện không hiếm gặp trong giai đoạn dịch bệnh Covid- 19 kéo dài. Cô Nguyễn Thị Thu Hương, giáo viên mầm non tư thục tại quận Hoàng Mai chia sẻ: “Em gắn bó với giáo viên mầm non được 8 năm nên cũng yêu trẻ, yêu trường, mến lớp lắm. Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid- 19, các khoản hỗ trợ nhận được không đủ trang trải; hàng tháng không có lương khiến cuộc sống trở nên bí bách. Qua giới thiệu của bạn bè, em chuyển sang làm môi giới Bất động sản. Nghề mới như làn gió mới, tính chất công việc nhẹ nhàng hơn, trách nhiệm không nặng nề, áp lực như giáo viên mầm non; không những thế, hoa hồng, chiết khấu khá cao. Nếu có duyên với nghề này thì kể cả sau khi trường mầm non được phép mở cửa trở lại, em cũng sẽ chuyển nghề".
 Học sinh mầm non nghỉ học tại nhà đã 8 tháng nay, đồng nghĩa với việc giáo viên mầm non ngoài công lập không có lương
Vốn là một giáo viên mầm non tư thục tại quận Tây Hồ nhưng Nguyễn Mai Anh đã đi học nghề nail (sơn, vẽ và chăm sóc móng) được tròn 6 tháng. Mai Anh kể, do phải thuê nhà, có một con nhỏ, chồng việc không ổn định nên cô quyết định đi học và làm nghề nail. Thời gian học nail ngắn, qua kênh quảng cáo trên Facebook, zalo, ai có nhu cầu thì liên hệ, cô sẽ đến tận nhà làm cho họ; thu nhập không cao nhưng túc tắc đồng ra đồng vào. Cô cũng đã nghĩ đến chuyển đổi nghề, bởi theo nguyện vọng thì sau này cô sẽ học thêm nghề trang điểm để có thể mở một tiệm nhỏ cho mình.
Còn theo cô Nguyễn Trang, giáo viên một trường mầm non tư thục tại huyện Thanh Trì thì thời gian nghỉ dịch kéo dài hơn nửa năm, các cô mầm non không có việc làm, cuộc sống mưu sinh vô cùng chật vật. Tháng đầu nghỉ dịch, cô Trang quanh quẩn ở nhà, ngày đêm vắt óc suy nghĩ, lo lắng xem làm gì bởi còn phải nuôi 2 đứa con. Các đồng nghiệp của cô, có người đi bán cá; phải dậy từ 2-3 giờ sáng ra chợ mua cá về học mổ, cắt khúc để bán online; có cô thì nấu chè, nấu xôi sáng; có cô lại bán cốm, bán giò chả, bán ngô, khoai, nông sản… Một vài người khác có quen biết hoặc năng khiếu thuyết phục thì đi bán bảo hiểm. Cũng có một số cô giáo xin làm công nhân thời vụ, đóng gói, bán hàng quần áo… Nhìn chung các công việc này không mang lại thu nhập cao nhưng trước mắt cũng tạo cảm giác về việc được lao động để thấy mình không bị thừa thãi, tránh suy nghĩ tiêu cực.
Cô Lê Phương Chung, chủ chuỗi Mầm non tư thục Bông Hồng (quận Hà Đông) cho biết, hiện 2 cơ sở của cô có 26 giáo viên thì 5 giáo viên đã có đơn xin nghỉ vì lý do chuyển nghề. Tuy nhiên, đó có lẽ chưa phải là con số cuối cùng mà sau khi trường được phép mở cửa trở lại mới biết chính xác số cô nghỉ việc, chuyển nghề vì qua nắm bắt, nhiều cô chưa chính thức có đơn gửi cơ sở nhưng đã về quê xin việc khác và sau dịch không có ý định trở lại Hà Nội nữa.
Nhiều cơ sở giải thể, sang nhượng
Trên các diễn đàn dành cho giáo viên mầm non ngoài công lập, nhiều tháng trở lại đây các thông tin sang nhượng trường hoặc thanh lý toàn bộ thiết bị, đồ dùng dạy học ở các cơ sở mầm non, nhóm trẻ được đăng tải thường xuyên. Thống kê của Bộ GD&ĐT cho biết, đến ngày 12/12/2021, có 55/63 tỉnh, thành có cơ sở giáo dục mầm non chưa được hoạt động theo yêu cầu về phòng, chống dịch của địa phương. Từ tháng 5/2021 đến nay, có hơn 28.500 cơ sở giáo dục mầm non phải tạm dừng hoạt động; 58 trường và 526 cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục phải giải thể.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh, ngành giáo dục là một trong những ngành chịu tác động, ảnh hưởng nhiều nhất của dịch bệnh Covid-19, nhất là cấp học giáo dục mầm non. Các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập không có doanh thu trong thời gian dài do không có nguồn thu từ học phí, trong khi đó vẫn phải chi trả tiền thuê nhà, mặt bằng, hỗ trợ chi trả tiền lương cho nhân viên trực trường, một phần lương cho giáo viên để ổn định cuộc sống và giữ chân khi mở cửa trở lại. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập không thể trả lương cho người lao động; đời sống giáo viên hết sức khó khăn, phải chuyển sang các công việc khác.
 Không ít cơ sở mầm non ngoài công lập giải thể, thanh lý đồ vì không đủ chi phí để duy trì hoạt động
Nhìn trực diện vấn đề này, đại diện Bộ GD&ĐT nhận định, hiện các đơn vị và người lao động hoạt động trong lĩnh vực giáo dục mầm non ngoài công lập đã được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ hỗ chung của Chính phủ. Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập tiếp tục đối mặt với nguy cơ thiếu giáo viên, cơ sở vật chất xuống cấp, không có kinh phí để duy trì hoạt động, sửa chữa, bổ sung trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch, thậm chí bị giải thể. Điều này ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục mầm non và kết quả phổ cập giáo dục cho trẻ em dưới 5 tuổi trong thời gian tới.
Để tăng cường giải pháp đảm bảo an toàn cho trẻ em trong cơ sở giáo dục mầm non, Bộ GD&ĐT đề nghị các cơ sở giáo dục mầm non quan tâm tới đội ngũ giáo viên, người lao động, nhất là tại khối trường độc lập tư thục; có cơ chế động viên để giáo viên mầm non không bỏ việc, đảm bảo nguồn giáo viên khi điều kiện học tập dần quay trở lại bình thường. Bộ cũng đề nghị UBND 63 tỉnh thành trong cả nước đánh giá công tác quy hoạch, định hướng phát triển giáo dục mầm non trên địa bàn đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030. Đặc biệt chỉ đạo Sở Nội vụ phối hợp với Sở GD&ĐT rà soát, tham mưu cho UBND tỉnh, TP việc tuyển bổ sung giáo viên mầm non còn thiếu, bảo đảm đủ số lượng giáo viên theo quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2015 liên Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ; theo chủ trương của Chính phủ tại Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 3/7/2020 với tinh thần "có học sinh phải có giáo viên đứng lớp".
Bộ GD&ĐT vừa ban hành công văn số 5969/BGDĐT-GDMN về việc bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 khi tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cơ sở giáo dục mầm non. Theo đó, nhằm tạo điều kiện cho trẻ em được đến trường an toàn, Bộ G&&ĐT đề nghị các sở GD&ĐT chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục mầm non bảo đảm an toàn cho trẻ em, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; thực hiện vệ sinh trường, lớp, đồ dùng, đồ chơi, trang thiết bị… bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo nguyên tắc khu vực nào kiểm soát được dịch Covid-19 chủ động báo cáo cấp quản lý giáo dục để trẻ em trở lại trường học. Các cơ sở mầm non phối hợp với y tế địa phương xây dựng phương án phòng, chống dịch Covid-19, xử lý khi có trẻ em, cán bộ, giáo viên, nhân viên, cha mẹ của trẻ em là F0 bảo đảm theo quy định; phối hợp với cha mẹ, người chăm sóc trẻ em, y tế, chính quyền địa phương trong việc chuẩn bị các điều kiện bảo đảm an toàn khi đón trẻ quay trở lại trường... Trước khi đưa trẻ em trở lại, cơ sở giáo dục mầm non, gia đình phải cam kết với nhà trường về việc thực hiện nghiêm túc các quy định trong phòng, chống dịch Covid-19 vì sự an toàn của trẻ.  

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần