Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mạng lưới đường cao tốc định hình và hoàn thiện

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với siêu dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, nhiều tuyến cao tốc lớn khác cũng vừa được khởi công. Tiến độ triển khai các dự án đang được đẩy lên mức cao nhất, hướng tới mục tiêu về đích đúng kế hoạch đề ra.

Các dự án cao tốc nối tiếp nhau ra đời

Từ đầu tháng 6/2023 đến nay, nhiều dự án cao tốc nối tiếp nhau khởi công. Sáng 18/6, tại thị xã Phú Mỹ, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, UBND tỉnh Đồng Nai phối hợp Bộ GTVT tổ chức Lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1. Dự án có tổng mức đầu tư là 17.837 tỷ đồng được đầu từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước.

Tuyến cao tốc này có chiều dài khoảng 53,7km (tỉnh Đồng Nai khoảng 34,2km; tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 19,5km), trong đó điểm đầu nối với tuyến tránh QL1A đoạn tránh TP Biên Hòa, vị trí cách ngã ba Vũng Tàu 6,5km (cách điểm giao giữa tuyến tránh Biên Hòa với QL51 khoảng 1,5km); điểm cuối tại nút giao với QL56 thuộc TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45, nằm trong dự án cao tốc Bắc - Nam đã hoàn thành và đưa vào khai thác. Ảnh: Lam Thanh
Cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45, nằm trong dự án cao tốc Bắc - Nam đã hoàn thành và đưa vào khai thác. Ảnh: Lam Thanh

Trong giai đoạn 1, dự án có quy mô 4 - 6 làn xe theo từng đoạn tuyến, trong đó, đoạn 1 từ điểm đầu dự án đến nút giao Long Thành và đoạn 3 từ nút giao Tân Hiệp đến điểm cuối dự án quy mô 4 làn xe cao tốc, bề rộng nền đường từ 24,75m - 27m; đoạn 2 từ nút giao Long Thành đến nút giao Tân Hiệp quy mô 6 làn xe cao tốc, bề rộng nền đường từ 32,25m - 34,5m.

Trong giai đoạn hoàn thiện sẽ thực hiện mở rộng bảo đảm quy mô 6 - 8 làn xe cao tốc. Cùng ngày, tại Km54+750 (km559+800 đường Trường Sơn Đông) thuộc địa phận thôn Cư Dhắt, xã Cư Drăm, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk, dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột cũng chính thức được khởi công.

Với tổng mức đầu tư là 21.935 tỷ đồng, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 sẽ có chiều dài khoảng 117,5km. Dự án có điểm đầu tại nút giao tại QL26B và QL1, khu vực Cảng Nam Vân Phong, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa; điểm cuối giao nhau với đường Hồ Chí Minh tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột (khoảng Km 12+ 450), tỉnh Đắk Lắk; trong đó đoạn đi qua tỉnh Khánh Hòa 32,7km, tỉnh Đắk Lắk 84,8km.

Trong giai đoạn hoàn chỉnh, dự án được đầu tư theo quy mô đường ô tô cao tốc tốc độ thiết kế 80 - 100km/giờ; giai đoạn 1 đầu tư theo quy mô 4 làn xe hạn chế, bề rộng nền đường 17m.

Trước đó 1 ngày, vào ngày 17/6, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, một dự án thành phần của “siêu dự án” cao tốc Bắc - Nam phía Đông cũng được khởi công.

Dự án có tổng chiều dài 188,2km đi qua 4 tỉnh, TP An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng. Điểm đầu kết nối Quốc lộ 91 thuộc TP Châu Đốc, tỉnh An Giang. Điểm cuối giao với Quốc lộ Nam Sông Hậu, kết nối đường dẫn cảng Trần Đề (Sóc Trăng).

Tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách T.Ư và địa phương. Giai đoạn 1, dự án được đầu tư quy mô phân kỳ 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h. Giai đoạn hoàn chỉnh, dự án sẽ được đầu tư quy mô 6 làn xe.

Với 3 dự án cao tốc vừa được khởi công, có thể nói hiện nay, cả nước đang như một “đại công trường” xây dựng đường cao tốc. Khắp từ Bắc vào Nam, đâu đâu cũng thấy không khí lao động hăng say, tiến độ thi công hối hả. Tất cả vì mục tiêu chung là đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000km đường bộ cao tốc.

Riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã hoạch định đến năm 2050 có 1.188km/9.014km của cả nước, được phân bổ đồng đều trên toàn vùng với 3 trục dọc và 3 trục ngang.

Trong đó, đến năm 2030 có khoảng 760km và sau năm 2030 tiếp tục đầu tư thêm khoảng 420km. Đến năm 2025 cơ bản hoàn thành thêm 458km. Đây sẽ là một bước đột phá vô cùng lớn đối với khu vực được biết đến là vựa lúa lớn nhất cả nước nhưng những tuyến đường cao tốc lại đang vô cùng hiếm hoi với chỉ khoảng 90km đang đưa vào khai thác.

Với cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đây là dự án trọng điểm đầu tiên của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và cũng là dự án được áp dụng nhiều cơ chế đặc thù như cho phép triển khai đồng thời các thủ tục để rút ngắn thời gian thực hiện công việc. Tính đến thời điểm khởi công, dự án đã có 70% diện tích mặt bằng được bàn giao, 84,6% đất thuộc phạm vi dự án đã được thu hồi để sẵn sàng bàn giao cho đơn vị thi công.

Phát biểu tại lễ khởi công dự án, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, sự có mặt của cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Dự án đi qua trung tâm vùng Đồng bằng Sông Cửu Long với năng lực thông hành lớn, tốc độ cao và an toàn sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải, tạo sức lan tỏa, động lực và dư địa để phát triển kinh tế - xã hội khu vực; từng bước hình thành trục kết nối, giao thương và phát triển kinh tế - xã hội giữa Việt Nam với các nước tiểu vùng sông Mekong.

“Chúng ta cùng nhau chung sức đồng lòng. Đã nói là làm, đã làm phải có hiệu quả. Dự án cao tốc này sẽ kết nối các trung tâm trong khu vực, kết nối trục ngang và dọc để phát triển hài hòa, khai thác tiềm năng thế mạnh từng vùng. Tư tưởng đã thông, cùng nhau hành động mới có kết quả như hôm nay" - Thủ tướng nói.

Tiệm cận mục tiêu hoàn thành siêu dự án vào năm 2025

Trong khi các dự án cao tốc mới khởi công đang tập trung nhân lực, vật lực để đẩy nhanh tiến độ thi công thì nhiều dự án khác đang trong giai đoạn đua tiến độ để về đích. Riêng trong tháng 6/2023, hai tuyến cao tốc thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 là cao tốc Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết đã đồng loạt khánh thành, đưa vào khai thác.

Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm được đầu tư theo hình thức PPP (hình thức đối tác công tư), có chiều dài tuyến 49,1km, quy mô 4 làn xe, với nền đường rộng 17m và không có làn dừng khẩn cấp, khởi công tháng 9/2021 với tổng đầu tư 5.524 tỷ đồng. Ô tô được phép chạy tốc độ tối đa 80km/h, tối thiểu 60km/h.

Trong khi đó, cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết có chiều dài tuyến khoảng 100,8km đi qua tỉnh Bình Thuận với tổng kinh phí đầu tư 10.853 tỷ đồng, quy mô và tiêu chuẩn kỹ thuật tương tự cao tốc Nha Trang - Cam Lâm.

Việc hoàn thành hai dự án Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết tiếp tục nâng tổng số ki lô mét đường cao tốc trục Bắc - Nam lên thành 950km.

Sự có mặt của hai tuyến cao tốc này sẽ góp phần kết nối các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận gần hơn, nhanh hơn với TP Hồ Chí Minh và các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Từ đó tạo điều kiện mở rộng không gian phát triển, mở rộng hoạt động kinh tế, đồng thời giảm tải cho QL1, nâng cao năng lực vận tải và bảo đảm an toàn giao thông.

Trước đó, từ cuối 2022 đến nay, hàng loạt dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 -2020 cũng nối đuôi nhau về đích. Tính đến thời điểm hiện tại, với hai tuyến cao tốc mới “hòa mạng” là cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo và Vĩnh Hảo - Phan Thiết, hiện tổng số chiều dài khai thác trên trục cao tốc Bắc - Nam đã lên gần 1.000km.

Đây là những tín hiệu đáng mừng, cho thấy mục tiêu thông toàn tuyến siêu dự án cao tốc Bắc - Nam vào năm 2025 mà Chính phủ đưa ra là hoàn toàn khả thi.

Thành tích trên càng trở nên ý nghĩa hơn khi ai cũng biết, cao tốc Bắc – Nam từ lúc triển khai đến nay gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. Trong đó, trở ngại lớn nhất là dự án phải thực hiện trong bối cảnh đại dịch Covid-19 xuất hiện và gây ra ảnh hưởng tiêu cực tới mọi mặt của đời sống xã hội.

Một trong những điểm nhấn mà Bộ GTVT đã thực hiện trong thời gian triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam thời gian qua là cơ quan này tổ chức phát động các phong trào thi đua với mục đích vừa động viên, cổ vũ, vừa là "mệnh lệnh" để các chủ thể tham gia dự án nỗ lực phấn đấu, tổ chức triển khai 3 ca 4 kíp, thi công xuyên lễ, xuyên Tết.

 

Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, chỉ sau 3 năm, chúng ta đã hoàn thành, đưa vào khai thác 566km đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc đến thời điểm hiện nay là 1.729km. Những khó khăn mà chúng ta đã vượt qua sẽ là bài học kinh nghiệm hết sức quý báu. Thời gian tới, Bộ GTVT yêu cầu các Chủ đầu tư, các Ban QLDA, các nhà thầu, các đơn vị tư vấn cần tiếp tục phát huy và nỗ lực hơn nữa để triển khai các đoạn còn lại thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông và các dự án cao tốc khác đang được triển khai đồng loạt trên cả nước bảo đảm tiến độ, chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn và hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ