"Hội DN Hàng Việt Nam Chất lượng cao vừa trao giấy chứng nhận Hàng Việt Nam Chất lượng cao 2019 cho 542 DN được người tiêu dùng bình chọn. Trong danh sách DN này, Nhãn hàng Asanzo được xếp vào nhóm Điện tử Gia dụng. Thế nhưng Hội DN Hàng Việt Nam Chất lượng cao không công bố số lượng người tiêu dùng bình chọn Asanzo là hàng Việt Nam chất lượng cao. Chỉ sau khi sai phạm của Asanzo bị phanh phui là hàng Trung Quốc, Hội DN hàng Việt Nam Chất lượng cao mới tước quyền sử dụng danh hiệu. Điều đó cho thấy cơ quan chức năng cần xem xét cách thức tổ chức, trao tặng danh hiệu Hàng Việt Nam Chất lượng cao, không để DN lợi dụng danh hiệu này lừa dối người tiêu dùng." - Phó Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Hà Nội Phạm Bá Dục "Theo điều 9 của Nghị định 31/2018 thì những công đoạn gia công chế biến đơn giản, không thể coi là hàng có xuất xứ Việt Nam nhưng gắn sản xuất tại Việt Nam thì lại đúng. Quy định này cho thấy hiện định nghĩa về hàng Việt Nam có độ mở khá rộng, chưa có quy định chi tiết cụ thể." - Phó trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Ngọc Thạch |
Mập mờ quy định xuất xứ sản phẩm: Kẽ hở để hàng ngoại đội lốt hàng Việt
Kinhtedothi - Những ngày qua, thông tin sản phẩm Asanzo là "hàng Trung Quốc đội lốt Việt Nam" đã gây hoang mang dư luận.
Qua tìm hiểu của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, trên thị trường, ngoài Asanzo còn có nhiều DN quảng cáo sản phẩm là “hàng Việt Nam chất lượng cao” nhưng xuất xứ nước ngoài. Qua sự việc này cho thấy cơ quan quản lý cần phải có quy định cụ thể để người tiêu dùng phân biệt rõ đâu là hàng “Made in Việt Nam”.
Hàng ngoại nhãn hiệu Việt
Khảo sát tại hệ thống siêu thị HC, Pico, Nguyễn Kim, Big C... cho thấy hàng loạt sản phẩm từ nồi cơm điện, máy làm mát không khí, máy lọc nước, máy xay sinh tố, ấm siêu tốc, bàn là hơi… của Sunhouse, Kangaroo đều ghi xuất xứ nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc hoặc lắp ráp từ linh kiện của các nước này nhưng đều được quảng cáo “Số 1 ngành hàng gia dụng Việt Nam”.
Tại siêu thị Pico bày bán sản phẩm Máy lọc nước Kangaroo KG108 ghi “Linh kiện nhập khẩu Hàn Quốc – Việt Nam lắp ráp” nhưng trên website của Kangaroo lại không ghi thông tin xuất xứ. Đặc biệt, hầu hết các sản phẩm đồ gia dụng nhãn hiệu Sunhouse, Kangaroo mặc dù ghi xuất xứ Trung Quốc, Hàn Quốc nhưng mã vạch sản phẩm vẫn thể hiện đây là sản phẩm Việt Nam (đầu 893).
Nói về cách sử dụng mã số mã vạch khi nhận diện xuất xứ hàng hóa, Phó trưởng Văn phòng Mã số mã vạch (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) Vũ Hoàng Dương nêu rõ: Mã vạch bao gồm các chữ số (UPC code) mang thông tin về sản phẩm, như quốc gia sản xuất, tên DN, lô hàng, tiêu chuẩn chất lượng đăng ký, thông tin kích thước sản phẩm…
Hiện Trung Quốc là quốc gia có mã vạch đăng ký trong hệ thống GS1 quốc tế (GS1 Country), với chuẩn UPC-A là từ 690 - 699, còn Việt Nam là 893. “Mỗi sản phẩm chỉ có một mã vạch, không bao giờ thay đổi, để biết xuất xứ của mặt hàng, người tiêu dùng chỉ việc xem 3 chữ số đầu tiên của mã vạch” - ông Dương nói.
Mơ hồ khái niệm “Made in Việt Nam”
Thực tế cho thấy, nguyên nhân việc DN nhập khẩu linh kiện hoặc đặt Trung Quốc sản xuất hàng hóa sau đó dán nhãn mác hàng Việt tiêu thụ là do hệ thống văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam chưa quy định rõ ràng tiêu chí thế nào là hàng Việt, đây là kẽ hở DN lợi dụng.
Từ nghi vấn DN Asanzo và một số DN nhập hàng Trung Quốc về và gắn mác "made in Việt Nam", Phó Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Hà Nội Phạm Bá Dục cho biết: Việc DN lợi dụng tâm lý ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam để giả mạo nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm đòi hỏi cơ quan chức năng như Bộ Công Thương, Bộ KH-CN… cần phải giúp người tiêu dùng nhận biết thế nào là hàng Việt Nam, trong đó làm rõ khái niệm thế nào là hàng Việt Nam.
Nói đến tiêu chí hàng Việt, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, để được công nhận là hàng "Made in Việt Nam" thì sản phẩm phải được lên ý tưởng, thiết kế, sản xuất bởi người Việt và linh kiện, vật liệu Việt Nam phải chiếm 50% và DN do người Việt làm chủ. “Sản phẩm điện tử, hàng tiêu dùng nhãn hiệu Asanzo… mặc dù được lắp ráp trong nước nhưng linh kiện sản xuất nhập khẩu từ nước ngoài đương nhiên chưa thể gọi các nhãn hàng này là hàng Việt" - ông Phú khẳng định.
Về vấn đề ghi nhãn hàng hóa "Made in Việt Nam", Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho biết: Trong quá trình tham gia ký kết FTA, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 05/2018/TT-BCT xác định xuất xứ hàng hóa nhưng chỉ áp dụng cho hàng hóa xuất khẩu ra khỏi Việt Nam, nhưng chưa có một quy định nào xác định hàng Việt Nam hay sản xuất tại Việt Nam.
"Do chưa có quy định về tiêu chí ghi nhãn nước sản xuất hàng hóa, khái niệm “hàng hóa Việt Nam” được hiểu theo nhiều cách như: Hàng hóa xuất xứ Việt Nam, hàng hóa có công đoạn sản xuất tại Việt Nam hoặc hàng hóa mang thương hiệu của Việt Nam... Nói cách khác, chưa có một thước đo rõ ràng để xác định quá trình sản xuất thế nào, hàm lượng giá trị bao nhiêu thì DN được dán nhãn "made in Vietnam" lên sản phẩm" - ông Hải chia sẻ.
Do đó, để bảo vệ hàng Việt cũng như bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, các bộ, ngành cần có ngay quy định cụ thể về hàng hóa được ghi nhãn "sản xuất tại Việt Nam" và "Made in Việt Nam". Đây cũng là cách phòng chống gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các DN sản xuất.