Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vừa tuyên bố thành lập Liên minh Công nghiệp Quốc phòng gồm 13 nhà sản xuất vũ khí chủ chốt.
Nguồn tài trợ cho liên minh này là một quỹ đặc biệt có nguồn thu chủ yếu từ cổ tức quốc phòng và việc bán tài sản của Nga bị tịch thu.
Bước đi táo bạo này nhằm định hình lại ngành công nghiệp quốc phòng, tránh phụ thuộc vào vũ khí từ thời Xô Viết, đồng thời trờ thành nhà sản xuất vũ khí hiện đại phù hợp tiêu chuẩn của NATO cũng như vươn ra thị trường toàn cầu.
Khó khăn chồng chất
Hiện tại các quốc gia phương Tây khó đáp ứng cam kết viện trợ vũ khí cho Ukraine, đặc biệt là đạn dược cho pháo binh. Nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt vũ khí, quân đội Mỹ đã ký hợp đồng thiết lập dây chuyền sản xuất đạn pháo mới. Tập đoàn Rheinmetall của Đức và BAE Systems của Anh gần đây cũng đã thành lập các cơ sở sản xuất vũ khí, chủ yếu là xe bọc thép và pháo ở Ukraine.
Tuy nhiên, việc người dân châu Âu và Mỹ đang mất dần sự ủng hộ trong việc cung cấp vũ khí cho Ukraine đã buộc Kiev phải tự phát triển khí tài quân sự tiên tiến của riêng mình trước áp lực ngày càng tăng của quân đội Nga.
Ukraine được thừa hưởng kho vũ khổng lồ sau khi Liên Xô sụp đổ, gồm 6.500 xe tăng, 1.100 máy bay chiến đấu, 500 tàu chiến, 176 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và 1.000 vũ khí hạt nhân chiến thuật như ước tính của nhà phân tích quân sự Denys Kiryukhin. Nhưng điều kiện kinh tế khó khăn và các ưu tiên phát triển khác đã buộc nước này phải giảm quy mô kho vũ khí trong nhiều năm liền. Bên cạnh đó, Kiev cũng từ bỏ vũ khí hạt nhân dưới áp lực quốc tế, đứng đầu là Mỹ.
Nỗ lực không ngừng
Dù vậy, Kiev vẫn có nhiều tiềm năng phát triển vũ khí. Báo cáo từ Cơ quan Nghiên cứu của Quốc hội Mỹ (CRS) tháng 1/2022 nhận định rằng Ukraine có đủ tiềm lực quốc phòng để sản xuất xe tăng, máy bay, thiết bị điện tử, tên lửa và tàu, dưới sự giám sát chặt chẽ của Công ty Công nghiệp Quốc phòng Ukroboronprom.
Không những vậy, NATO vẫn luôn tích cực hỗ trợ Ukraine trong lĩnh vực quốc phòng. Vào tháng 12/2022, chuyên gia Paul McLeary cho biết liên minh quân sự này đang thực hiện kế hoạch 10 năm phát triển ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine, giúp Kiev tiến gần hơn đến các tiêu chuẩn của khối.
Theo đó, mục tiêu của tổ chức quân sự này tại Ukraine là chuyển từ vũ khí của Liên Xô sang vũ khí phương Tây phù hợp với NATO, đồng thời tăng cường viện trợ vũ khí hiện đại cho Kiev.
Trong khi đó, các công ty quốc phòng Ukraine cũng đang chủ động liên kết với đối tác châu Âu để sản xuất vũ khí. Theo một số nguồn tin, Tập đoàn Ukroboronprom đang phát triển nhiều dự án chung với một số thành viên NATO như Pháp, Đan Mạch, Ba Lan, Cộng hòa Séc. Ngoài ra, Kiev cũng ký với Rheinmetall của Đức về bảo dưỡng, sửa chữa xe tăng, đồng thời tạo tiền đề để các sản phẩm hiện đại của tập đoàn quốc phòng hàng đầu Đức này có mặt tại Ukraine.
Cộng hòa Séc cũng tuyên bố xem xét cung cấp một số máy bay chiến đấu hạng nhẹ L-159 cho Ukraine. Chính phủ hai bên đã đạt được thỏa thuận về nhiều dự án, gồm sản xuất máy bay F/A-259 Striker trong tương lai.
Tuy vậy, nhiều nhà quan sát nhận định chính quyền Kiev cần cẩn trọng để những thỏa thuận hợp tác quốc phòng này không bị các nhà buôn bán vũ khí trục lợi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, chính trị thế giới.