Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mặt trái của xã hội hóa đăng kiểm

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có không ít người lo ngại mặt trái của xã hội hóa sẽ phá hỏng đăng kiểm như đã từng xảy ra với nhiều lĩnh vực trong ngành giao thông vận tải khác...

Khi ngành đăng kiểm thực hiện xã hội hóa, trao quyền quản lý, điều hành các trung tâm đăng kiểm về cho tư nhân, rất nhiều ý kiến cho rằng đây sẽ là một bước đột phá, đưa hoạt động đăng kiểm lên một tầm cao mới. Tuy nhiên, cũng có không ít người lo ngại mặt trái của xã hội hóa sẽ phá hỏng đăng kiểm như đã từng xảy ra với nhiều lĩnh vực trong ngành giao thông vận tải khác, mà điển hình nhất là xã hội hóa đầu tư hạ tầng giao thông với mô hình BOT.

Cơ quan điều tra khám xét nhiều trung tâm đăng kiểm tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN
Cơ quan điều tra khám xét nhiều trung tâm đăng kiểm tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN

Trên thực tế, xã hội hóa đã tạo điều kiện cho số lượng trung tâm đăng kiểm mọc lên như nấm sau mưa. Người dân có thể mang xe đi đăng kiểm ở bất cứ chỗ nào mà không lo phải “khăn gói quả mướp” lên tận phố rồi xếp hàng chờ đợi trong mệt mỏi. Thế nhưng, nhiều người đặt câu hỏi, xã hội hóa đăng kiểm có đảm bảo số lượng đi đôi với chất lượng?

Câu hỏi này chỉ thật sự có đáp án khi Bộ Công an vào cuộc và lôi ra hàng loạt sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm từ Nam ra Bắc trong thời gian qua. Hóa ra, đằng sau vỏ bọc hào nhoáng của cái gọi là xã hội hóa đăng kiểm là biết bao thủ đoạn, chiêu trò bóp méo chất lượng phương tiện, cấp giấy chứng nhận đăng kiểm cho những chiếc xe hoàn toàn không đủ điêu kiện với chỉ một điều kiện duy nhất là có tiền bôi trơn.

Tại cuộc họp báo Chính phủ diễn ra cách đây ít ngày, Trung tướng Tô Ân Xô - Chánh Văn phòng Bộ Công an đã thông tin, qua kiểm tra của lực lượng công an, có trung tâm bỏ qua lỗi vi phạm trong công đoạn kiểm tra thủ công hoặc cho thuê phụ tùng không đảm bảo kỹ thuật; dùng các biện pháp dối trá để tiêu chuẩn hóa phương tiện không đạt tiêu chuẩn, sử dụng phần mềm can thiệp vào hệ thống đăng kiểm để thay đổi thông số kiểm định khí thải… một cách công khai với khoảng hơn 70.000 phương tiện cơ giới. Rõ ràng, đây không đơn thuần chỉ là vi phạm mà chính hành động này đã tiếp tay cho nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra.

Mới đây, hai trung tâm đăng kiểm ở tỉnh Bắc Giang đã bị phát hiện khi đăng kiểm cho nhiều ô tô cũ nát. Điều đáng sợ ở đây là những chiếc xe cũ nát này, sau khi lọt vòng đăng kiểm lại tung tăng ngoài đường để thực hiện đưa đón công nhân và học sinh. Thử hỏi, khi tai nạn xảy ra, sẽ có biết bao người vô tội gặp nạn bởi những chiếc xe cũ nát này?

Khi đề cập đến hoạt động, ngành đăng kiểm đã nói rất nhiều về chuyển đổi số, về sự tham gia của công nghệ hiện đại vào hoạt động đăng kiểm. Lãnh đạo ngành đăng kiểm tỏ ra vô cùng tự tin vào sự trợ giúp đắc lực của công nghệ hiện đại sẽ không chỉ giúp nâng cao chất lượng hoạt động đăng kiểm mà còn hạn chế sai phạm, tiêu cực trong lĩnh vực này. Thế nhưng, có lẽ những người đứng đầu ngành đã quên một nhân tố vô cùng quan trọng, đó chính là con người.

Công nghệ hiện đại đến đâu thì cũng được sinh ra bởi con người và được điều khiển bởi chính con người. Một khi con người không có đạo đức nghề nghiệp, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, bỏ lọt sai phạm để trục lợi riêng thì máy móc hiện đại đến đâu cũng chỉ là những thứ vô tri, vô giác.