Máy bay MH17: Thảm họa vẫn chưa kết thúc

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù Ủy ban An toàn Hà Lan (DSB) đã công bố báo cáo về nguyên nhân gây ra vụ rơi máy bay MH17 của Malaysia xảy ra hồi tháng 7 năm ngoái, thảm họa hàng không này dường như vẫn chưa kết thúc khi các bên không ngừng đổ lỗi cho nhau.

Trong khi đó, các chuyên gia lo ngại về việc không đảm bảo quy tắc an toàn bay tại vùng không phận xảy ra xung đột.
Máy bay MH17: Thảm họa vẫn chưa kết thúc - Ảnh 1
Theo báo cáo của DSB, chiếc MH17 bị bắn rơi bởi một tên lửa Buk do Nga sản xuất nhưng không đưa ra kết luận cuối cùng về lực lượng đứng sau thảm họa. Trong khi đó, Nga cũng công bố kết quả một cuộc thử nghiệm bắn tên lửa vào một máy bay cùng loại với chiếc MH17 và kết luận, tên lửa được phóng từ khu vực do chính quyền Kiev kiểm soát. Đến nay, vẫn chưa bên nào chính thức thừa nhận trách nhiệm. Và sẽ mất một thời gian dài để các điều tra viên độc lập mới có thể kết luận nguyên nhân chính xác.

Điều đáng nói là, báo cáo đã này là cảnh báo về mối nguy hiểm đối với các máy bay dân sự khi bay qua không phận các quốc gia có xung đột. Và các quốc gia bị ảnh hưởng bởi các cuộc xung đột có vũ trang phải chịu trách nhiệm với bất cứ tai nạn nào xảy ra tại không phận bay của mình. Theo ông Tjibbe Joustra - người đứng đầu DSB, không phận Ukraine lẽ ra nên đóng cửa nhưng chính quyền Kiev đã không thực hiện điều này. "Không bên nào thừa nhận rủi ro gây ra từ cuộc xung đột vũ trang dưới mặt đất", ông nói. Báo cáo của DSB cũng chỉ trích chính quyền các nước liên quan không thực hiện đóng cửa không phận kịp thời, mặc dù vào khoảng cuối tháng 4 đến tháng 7/2014, đã có ít nhất 16 máy bay trực thăng của Ukraine bị bắn hạ.

Theo báo cáo của DSB, trong khoảng thời gian cuộc xung đột ở phía đông của Ukraine mở rộng, chính quyền nước này cũng như các tổ chức quốc tế đã không ban hành bất kỳ cảnh báo an ninh cụ thể cho ngành hàng không dân dụng. Báo cáo của DSB cũng nhấn mạnh, chính quyền Kiev không đánh giá đúng mực nguy cơ này. Từ sau thảm họa MH17, vẫn có khoảng 160 chuyến bay có chung hành trình qua miền đông Ukraine với chiếc máy bay của Malaysia đã được thực hiện.

Thực tế, không chỉ có không phận tại miền đông Ukraine mà không phận bay qua các quốc gia đang có xung đột như Syria và một phần Iraq cũng ẩn chứa nhiều nguy hiểm đối với các chuyến bay thương mại. Thế nhưng, các chuyến bay vẫn thực hiện hành trình qua khu vực này, mặc dù các chuyên gia khuyến cáo nên đóng cửa không phận đối với các chuyến bay dân sự.

Báo cáo của DSB đưa ra 11 kiến nghị, bao gồm việc các quốc gia có xung đột cần đóng cửa không phận một cách kịp thời. Các hãng hàng không cũng cần phải đánh giá nguy cơ và chia sẻ thông tin với nhau. Đồng thời, DSB kêu gọi Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) điều phối để giúp các hãng hàng không chọn đường bay an toàn trên các vùng xung đột.

Thảm họa hàng không này một lần nữa cho thấy, bầu trời đã không còn an toàn, khi một loạt hệ thống tên lửa tầm xa có thể được khai hỏa bất cứ lúc nào.

Hiện trường vụ rơi máy bay MH17