Năm 2021 là năm ngành Giáo dục gặp vô vàn khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Bộ trưởng có thể khái quát về những việc ngành đã làm được trong năm qua?
Năm 2021 tiếp tục là một năm có nhiều khó khăn và thử thách với ngành Giáo dục khi triển khai nhiệm vụ trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và khó lường. Trong bối cảnh ấy, ngành Giáo dục vừa phải hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch năm học, vừa phải triển khai công tác phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên và giảm thiểu các tác động tiêu cực đến ngành.
Ngành đã hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra và đảm bảo những yêu cầu về chất lượng giảng dạy, học tập. Những quyết sách của ngành nhằm triển khai kế hoạch chuyển đổi lâu dài để thích ứng với dịch bệnh; đồng thời, trong ngắn hạn, tại mỗi địa phương, kế hoạch và hoạt động dạy học cần phải có những giải pháp đa dạng, linh hoạt, phù hợp với bối cảnh, thời điểm trên cơ sở đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng về kiến thức, kỹ năng mà người học cần phải đạt được. Ngành Giáo dục đã triển khai linh hoạt, đa dạng các phương pháp, hình tổ chức dạy học để khắc phục, ứng phó với tác động của dịch Covid-19, chủ động các phương án, kịch bản cụ thể để tổ chức dạy học phù hợp với tình hình dịch bệnh cũng như khả năng đáp ứng của cơ sở giáo dục và điều kiện thực tế của học sinh bảo đảm thực hiện mục tiêu kép: Phòng, chống dịch Covid-19 và thực hiện tốt nhiệm vụ kế hoạch năm học.
Trong đó, có thể kể đến một số kết quả như: Ban hành các chính sách chỉ đạo, hướng dẫn ứng phó với dịch bệnh; hướng dẫn triển khai năm học đảm bảo chất lượng và an toàn; triển khai dạy và học thích ứng với điều kiện dịch bệnh; triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1, lớp 2, lớp 6, chuẩn bị điều kiện triển khai ở lớp 3, lớp 7, lớp 10; tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng; tổ chức các đoàn học sinh tham dự Olympic quốc tế và khu vực… đều đã hoàn thành với kết quả tích cực. Đặc biệt, trong bối cảnh vừa phải ứng phó với dịch bệnh, vừa phải hoàn thành nhiệm vụ năm học đặt ra, các địa phương đã quan tâm, chỉ đạo và đưa ra các giải pháp ứng phó linh hoạt, hiệu quả trên cơ sở bám sát văn bản đề nghị, chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. Rất nhiều các thầy cô giáo đã chủ động, linh hoạt, đổi mới sáng tạo trong giảng dạy, tích cực phối hợp hiệu quả với gia đình và các em học sinh để thực hiện tốt nhiệm vụ dạy học.
Dự kiến sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, cả nước sẽ có trên 17 triệu học sinh đến trường học trực tiếp (chiếm tỉ lệ 75,71%). Bộ chuẩn bị kế hoạch đón và bù đắp kiến thức cho học sinh như thế nào, thưa Bộ trưởng?
Mong mỏi được đến trường học tập trực tiếp của học sinh, giáo viên là rất chính đáng. Đối với ngành Giáo dục, việc chuyển trạng thái sang thích ứng an toàn, dần mở cửa trường học là nhiệm vụ rất quan trọng để các hoạt động giáo dục sớm quay trở lại trạng thái bình thường.
Thực hiện chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 của Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều hướng dẫn cụ thể gửi các địa phương về việc dạy học trực tiếp, mở cửa trường học an toàn; Bộ GD&ĐT cũng phối hợp với Bộ Y tế để có hướng dẫn tới từng cơ sở giáo dục về các phương án đảm bảo an toàn khi học sinh trở lại trường học trực tiếp.
Cùng với việc mở cửa trường học, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương có kế hoạch bù đắp kiến thức cho học sinh sau khi các em được trở lại học trực tiếp, trong đó rà soát, đánh giá và phân định từng nhóm học sinh cụ thể để lên kế hoạch dạy bù trong ngắn hạn và dài hạn. Việc bù đắp kiến thức được ngành Giáo dục xác định không chỉ thực hiện trong một năm mà còn kéo dài trong nhiều năm. Bên cạnh việc bù đắp kiến thức, các nhà trường cũng cần nhận diện được những vấn đề tâm lý của học sinh, để có tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho học sinh trong đại dịch Covid-19 và sau khi quay lại trường học.
Bộ GD&ĐT căn cứ văn bản chỉ đạo điều chỉnh về cách xác định cấp độ dịch của Bộ Y tế và sẽ ban hành văn bản điều chỉnh các văn bản cũ để phù hợp với hướng dẫn trong tình hình mới. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng sẽ có thêm một số hướng dẫn cho bậc mầm non để tạo thuận lợi cho các địa phương triển khai. Trước khi học sinh quay trở lại trường, cần chuẩn bị tinh thần, thái độ cho cả phụ huynh và học sinh; trong những ngày đầu học sinh quay trở lại trường cần có các hoạt động hội nhập, tương tác xã hội, kỹ năng khác bởi sau thời gian dài học trực tuyến, sẽ có trường hợp học sinh ngại học trực tiếp, giáo viên ngại dạy trực tiếp, do đó, cần có những hỗ trợ để học sinh hứng thú, mong muốn được học trực tiếp, giáo viên thích ứng trở lại với dạy trực tiếp.
Với hình thức dạy trực tuyến đã được xác lập trong 2 năm qua và tạo ra cú hích thúc đẩy công nghệ thông tin, chuyển đổi số của ngành Giáo dục, chúng ta cần chú ý không vì học sinh trở lại học trực tiếp mà lãng phí hình thức dạy học này. Ngược lại cần tăng cường những yếu tố tích cực của dạy học trực tuyến để hỗ trợ dạy học trực tiếp; tiếp tục triển khai giảng dạy các nội dung chương trình cốt lõi theo hướng dẫn của Bộ. Nếu các địa phương, cơ sở giáo dục nào hoàn thành sớm thì quay trở lại củng cố kiến thức, kỹ năng cho học sinh. Bên cạnh đó, các địa phương, nhà trường cũng cần cân nhắc lộ trình kiểm tra đánh giá phù hợp.
Thưa Bộ trưởng, dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, thu nhập của giáo viên. Trong năm mới, Bộ GD&ĐT có đề xuất gì nhằm hỗ trợ giáo viên yên tâm công tác?
Gần 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, bên cạnh khó khăn về dạy và học, những khó khăn về tài chính, thu nhập, mất việc… đang tác động rất nặng nề đến hệ thống giáo dục cả công lập và tư thục. Riêng hệ thống giáo dục mầm non tư thục bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều cơ sở phải đóng cửa, sang tên, rao bán, nhiều lao động mất việc làm và có khoảng 1,2 triệu trẻ em nguy cơ không có chỗ học.
Trước thực tế này, Bộ GD&ĐT đã kiến nghị, đề xuất tới Chính phủ về các giải pháp hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục và giáo viên. Trong đó, kiến nghị Chính phủ hỗ trợ người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Bộ GD&ĐT cũng đã xây dựng phương án đề xuất gói hỗ trợ để trình Chính phủ xem xét, hỗ trợ người lao động và cơ sở giáo dục, với trị giá hơn 800 tỷ đồng.
Bên cạnh các chính sách hỗ trợ chung theo các quy định của Chính phủ, hiện nay, Bộ GD&ĐT đang tiếp tục đề xuất Chính phủ có chính sách hỗ trợ tài chính đặc thù cho ngành Giáo dục. Đồng thời, đề xuất Chính phủ xem xét, bố trí nguồn kinh phí để ngành Giáo dục chuyển trạng thái hoạt động thích ứng, ứng phó với dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và có thể kéo dài, gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số trong dạy và học.
ột số nhiệm vụ ưu tiên của ngành Giáo dục trong năm 2022 là gì, thưa Bộ trưởng?
Trong năm 2022, ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo tinh thần Nghị quyết 29 và Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, trong đó, ưu tiên triển khai 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất là tiếp tục chỉ đạo ứng phó với dịch Covid-19, củng cố chất lượng, khắc phục các tác động của dịch bệnh đối với ngành Giáo dục; tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển GD&ĐT; rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật; triển khai nghiên cứu xây dựng Luật Nhà giáo, Luật Học tập suốt đời; rà soát Luật Giáo dục đại học.
Thứ hai là triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10; nâng cao chất lượng biên soạn, thẩm định và lực chọn sách giáo khoa đối với lớp 4, lớp 8, lớp 11; tăng cường các điều kiện đảm bảo triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 như chuẩn bị đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.
Thứ ba là tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022, đảm bảo ổn định, phù hợp với tình hình dịch bệnh, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông và đổi mới giáo dục đại học.
Thứ tư là triển khai thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục 2021-2030, tầm nhìn 2045; tiếp tục xây dựng và triển khai thực hiện Khung chiến lược phát triển giáo dục đại học; Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và Quy hoạch mạng lưới các trường chuyên biệt.
Thứ năm là tiếp tục triển khai thực hiện tự chủ đại học; tăng cường giải pháp phát triển khoa học, công nghệ; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học. Tăng cường chuyển đổi số, đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục và đào tạo; xây dựng hạ tầng học tập quốc gia; xây dựng kho học liệu số; tăng cường các điều kiện đảm bảo và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học trực tuyến.
Thứ sáu phối hợp với Bộ Nội vụ từng bước khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên tại các địa phương; đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục nhằm xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi sai phạm trong GD&ĐT.
Thứ bảy là quan tâm bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục và đáp ứng nhu cầu học tập cho các đối tượng yếu thế; đẩy mạnh công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, việc làm cho học sinh, sinh viên.
Bộ trưởng có điều gì muốn nhắn nhủ với cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên nhân trước thềm Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022?
Năm 2022 là một năm có nhiều nhiệm vụ đặt ra với ngành và sẽ tiếp tục là một năm nhiều khó khăn và thử thách. Tôi mong rằng, các thầy cô giáo, các em học sinh sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa để kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục, đồng thời ứng phó và thích nghi an toàn trước dịch bệnh.
Nhân dịp đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần, tôi xin gửi tới các thầy cô giáo, các cán bộ, nhân viên đã và đang công tác trong ngành Giáo dục, các em học sinh, sinh viên lời chúc mạnh khỏe, bình an, hạnh phúc và thành công!
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
10:39 01/02/2022