Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mở rộng đưa nông sản sạch của Hải Dương về Hà Nội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hải Dương là địa phương có khá nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, lại nằm ngay sát Thủ đô nên một lượng lớn nông sản từ địa phương này hàng ngày vẫn được đưa về Hà Nội tiêu thụ.

Để kiểm soát chặt chẽ chất lượng, việc hợp tác mở rộng các chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn là rất cần thiết.

 Thiếu đầu mối liên kết

Triển khai chương trình chuỗi cung ứng rau, thịt cho Hà Nội do Bộ NN&PTNT khởi xướng từ đầu năm 2015, Sở NN&PTNT Hải Dương đã khuyến khích kinh doanh sản phẩm rau, thịt an toàn theo mô hình chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ. Cùng với việc tư vấn kỹ thuật sản xuất VietGAP, Sở NN&PTNT Hải Dương đã thực hiện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Đến nay, tỉnh đã có hơn 130ha diện tích sản xuất rau an toàn và 2 cơ sở chăn nuôi gia cầm đẻ trứng, gia cầm thịt được cấp chứng nhận VietGAP.
Sản xuất rau an toàn tại huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. 	 	Ảnh: Quang Thiện
Sản xuất rau an toàn tại huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Ảnh: Quang Thiện
Mặc dù Hải Dương đã cung cấp một lượng lớn nông sản cho thị trường Thủ đô nhưng liên kết giữa nông dân với các DN của Hà Nội vẫn thiếu chặt chẽ. Bên cạnh đó, theo ông Lê Đình Sơn – Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hải Dương, khó khăn của tỉnh là chưa tạo được nhiều sản phẩm chủ lực. Đồng thời, chưa nắm được các đầu mối DN liên kết trong khuôn khổ chương trình hợp tác đưa nông sản an toàn về Hà Nội. Do đó, việc cam kết tiêu thụ nông sản chưa thật hiệu quả.

Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Phạm Kha, huyện Thanh Miện (Hải Dương) Nguyễn Viết Khang cũng chia sẻ, khâu yếu nhất của HTX chính là đầu ra. Hiện tại, HTX Phạm Kha có 100ha chuyên canh rau màu, trong đó một số diện tích được áp dụng quy trình VietGAP từ năm 2011. “Sản lượng rau làm ra lớn nhưng không biết có tiêu thụ được không. Giá cả thì nay một giá, mai một giá” – ông Khang cho hay.

Tăng cường kết nối

Là thị trường tiêu thụ nông sản thực phẩm mở đối với các địa phương, tuy nhiên, thị trường Hà Nội cũng đòi hỏi cao về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ nông sản rõ ràng. Những yêu cầu này một lần nữa lại được Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội cùng DN, đơn vị của Sở NN&PTNT Hà Nội làm rõ khi làm việc với Sở NN&PTNT Hải Dương mới đây. Ông Đỗ Phú Sơn – Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thú y Hà Nội nhấn mạnh, việc hợp tác không chỉ nhằm cung cấp thực phẩm an toàn cho người dân TP mà còn có cả các cơ quan, bộ, ngành T.Ư và con em các tỉnh về làm ăn, học tập tại Thủ đô. Nếu nông sản của các tỉnh nói chung và Hải Dương nói riêng đưa về Hà Nội không đạt tiêu chuẩn và các điều kiện theo yêu cầu thì chắc chắn thị trường Hà Nội sẽ không chấp nhận.

Về phía tỉnh Hải Dương, lãnh đạo Sở NN&PTNT cũng rất tâm tư vì đã có những DN Hà Nội về tỉnh hợp tác nhưng liên kết còn lỏng lẻo. Do đó, mong muốn của Hải Dương là liên kết chặt chẽ giữa hai địa phương, để DN Hà Nội về thu mua, tiêu thụ nông sản, trước hết ở những vùng sản xuất theo quy trình VietGAP. Sở NN&PTNT cũng cam kết sẽ hỗ trợ các HTX thiết kế bao bì, nhãn mác sản phẩm đáp ứng yêu cầu của Hà Nội.

Rõ ràng, việc tăng cường trao đổi thông tin, sự bắt tay chặt chẽ hơn sẽ tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng các chuỗi sản xuất rau, thịt an toàn từ Hải Dương đưa về Hà Nội. Ông Nguyễn Như Tiệp – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) đề nghị, Hà Nội cần cụ thể hóa các yêu cầu về chất lượng sản phẩm nông sản đưa về Thủ đô. Còn các tỉnh cần thống kê danh sách các đơn vị sản xuất đảm bảo an toàn, tiến tới hội nghị kết nối với đầu mối của Hà Nội. “Vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước là kết nối, tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính để thúc đẩy các chuỗi phát triển” - ông Tiệp nhấn mạnh.