Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mở rộng không gian phát triển cho đô thị trung tâm

Thuỳ Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 (điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô) đã định hướng xây dựng mô hình TP trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai).

Định hướng phát triển không gian TP phía Bắc.
Định hướng phát triển không gian TP phía Bắc.

Trong đó TP phía Bắc dự kiến hình thành trên cơ sở điều chỉnh mở rộng không gian phát triển đô thị trên toàn bộ lãnh thổ các huyện Đông Anh, Sóc Sơn và một phần phía Tây đường Vành đai 4 thuộc huyện Mê Linh.

Thành phố trẻ, giàu có và năng động

Đại diện Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (đơn vị tư vấn lập điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô) cho biết, hiện trạng toàn khu vực Đông Anh – Mê Linh – Sóc Sơn rộng khoảng 631 km2, dân số khoảng 1 triệu người. Theo định hướng Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội được phê duyệt năm (QHC 1259), khu đô thị Mê Linh - Đông Anh được định hướng xây dựng thành đô thị đặc thù gắn với vùng trồng hoa truyền thống; khu đô thị Đông Anh định hướng trở thành trung tâm hành chính, thương mại, giao dịch quốc tế, công nghiệp kỹ thuật cao, phát triển du lịch gắn với bảo tồn di tích Cổ Loa và đầm Vân Trì. Đô thị vệ tinh Sóc Sơn là trung tâm giáo dục và đào tạo. Đây cũng là khu vực phát triển đô thị ở phía Đông đường Vành đai 4.

Triển khai thực hiện QHC 1259 từ năm 2011 đến nay, khu vực này còn những điểm nghẽn, đó là tổ chức thực hiện quy hoạch chậm do thiếu nguồn lực; liên kết và kết nối vùng, kết nối hai bên sông Hồng còn chưa được đầu tư hoàn chỉnh. Các dự án chậm triển khai, dự án treo theo mô hình khu ở dân cư làm ảnh hưởng tới mặt bằng phát triển. Tổ chức thực hiện quy hoạch và quản lý phát triển đô thị còn nhiều vấn đề.

Trên cơ sở phân tích hiện trạng, đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đã đưa ra định hướng xây dựng TP phía Bắc là trung tâm dịch vụ chất lượng cao; trung tâm dịch vụ y tế, giáo dục cấp vùng phía Đông Bắc, trung tâm nghiên cứu khoa học - ứng dụng chất lượng cao; là đầu mối giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy. TP dịch vụ, hội nhập quốc tế; trung tâm hành chính, thương mại, giao dịch quốc tế, công nghiệp kỹ thuật cao, phát triển du lịch gắn với bảo tồn di tích văn hóa, đóng vai trò động lực phát triển ở phía Bắc Thủ đô.

Về định hướng phát triển không gian sẽ xây dựng TP phía Bắc là một TP trẻ, giàu có và năng động dựa trên sức mạnh nội sinh sẵn có như khai thác tối đa tiềm năng của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, vị trí giao thoa giữa trục kinh tế Đông - Tây và Bắc - Nam của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, là TP xanh - sạch - thông minh, làm đối trọng và bổ trợ cho đô thị trung tâm đang quá tải.

Xây dựng khu vực này thành trung tâm đối thoại, hợp tác quốc tế tầm cỡ khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Phát triển công nghiệp du lịch kết hợp truyền thống trên cơ sở quần thể thành Cổ Loa, đền Sóc. Trung tâm logistics lớn nhất miền Bắc, trung tâm đầu mối giao thương quốc tế, cảng cạn ICD, thúc đẩy hạ tầng xuất nhập khẩu, trung tâm thương mại miễn thuế, outlet lớn nhất khu vực.

Đặc biệt, khai thác lợi thế sân bay quốc tế Nội Bài, tạo dựng hình ảnh đô thị mới hiện đại phía Bắc sông Hồng gắn với dịch vụ cấp vùng Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và các khu công nghiệp thành một khu vực phát triển thương mại, logistics và trung chuyển hàng hóa quốc tế. Hình thành đô thị mới cao tầng, hiện đại theo mô hình TOD, đô thị thông minh hai bên tuyến đường Võ Nguyên Giáp. Hình thành các tổ hợp công trình công cộng, dịch vụ, khách sạn, thương mại, tài chính, ngân hàng lớn. Khai thác, cải tạo các sông Cà Lồ, sông Thiếp - đầm Vân Trì, sông Ngũ huyện Khê tạo thành trục không gian cây xanh mặt nước Vân Trì - sông Thiếp - Cổ Loa, phát triển lan tỏa tới các điểm không gian xanh trong lõi các khu vực đô thị, kết hợp với công viên rừng quanh sân bay Nội Bài tạo thành không gian xanh đô thị của trung tâm TP phía Bắc. Cải tạo các khu vực dân cư hiện hữu gắn với bảo tồn các công trình di tích, văn hóa lịch sử, tảo tồn triệt để hệ sinh quyển rừng và hệ động thực vật Sóc Sơn…

Cần lộ trình thích hợp

Là một trong những địa phương được định hướng nằm trong khu vực TP phía Bắc, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn đề xuất, TP phía Bắc được định hướng là TP thương mại, dịch vụ, logistics vì vậy không nên phát triển nhiều các khu công nghiệp tại đây. Về phân bố không gian nên giữ nguyên với Đông Anh là trung tâm của TP, hai trục động lực phát triển gồm Nhật Tân - Nội Bài, Vành đai 4. Đồng thời chú trọng định hướng phát triển kinh tế cho các vùng hai bên Vành đai 4, vùng đất bãi sông Hồng.

 

Để mô hình TP trong Thủ đô có tính khả thi, Hà Nội cần học tập từ kinh nghiệm của TP Thủ Đức, nhìn ra định hướng phát triển hai TP trong tương lai cụ thể hơn để có chính sách tạo nguồn lực. Các TP mới cần có chính sách đặc thù để phát triển kinh tế, tạo sức hút từ việc làm, tạo ra nơi ở mới tốt hơn cho người dân thì mới giảm tải cho nội đô.
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam,
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm

Trong khi đó, lãnh đạo huyện Đông Anh đề xuất TP phía Bắc sông Hồng cần được định hướng là đô thị loại 1 hoặc đô thị đặc biệt trong Thủ đô. Riêng với quy hoạch đô thị Đông Anh cần được xây dựng trên cơ sở 3 tiêu chí: xanh, ngầm, công cộng. Đặc biệt, quan tâm bổ sung vùng ngoài bãi sông Hồng để phát triển đô thị sinh thái. Về kinh tế chú trọng phát triển thương mại dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp sinh thái. Để đẩy nhanh tiến độ quy hoạch TP trong Thủ đô, lãnh đạo huyện Đông Anh đã đưa ra kiến nghị cần thành lập Ban Chỉ đạo để triển khai lập Nhiệm vụ quy hoạch TP trong Thủ đô song hành với việc lập điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô và Quy hoạch Thủ đô, xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm bảo đảm cập nhật, đồng bộ.

Trước đây, Hà Nội đặt ra mục tiêu trước năm 2025 có 5 huyện lên quận, sau năm 2025 có thêm 2 huyện lên quận. Hiện nay, ngoài việc lên quận, quy hoạch mới đưa ra mô hình TP trong Thủ đô. Theo Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, đây là đề xuất hợp lý nhưng để phát triển mô hình này thành công vẫn cần những nghiên cứu, đánh giá lại quy mô ranh giới. TP phía Bắc sông Hồng bao gồm các huyện Đông Anh - Mê Linh - Sóc Sơn có diện tích lên tới 633km2 là quá rộng, có sự chênh lệch đô thị hóa, sẽ khiến nguồn lực đầu tư bị phân tán.

Đặc biệt tỷ lệ đất nông nghiệp huyện Mê Linh, Sóc Sơn còn khá lớn. Huyện Sóc Sơn có diện tích đất nông nghiệp chiếm 60% tổng diện tích đất tự nhiên, có cả đất rừng phòng hộ, nên lao động phi nông nghiệp chỉ đạt khoảng 40%, không thể đạt theo tiêu chuẩn cấp đô thị. Đây thực sự là những thách thức trong thực tế của TP này. “Thực hiện mô hình TP trong Thủ đô sẽ thuận lợi, tạo động lực song cần có lộ trình thích hợp. Cần đặt mục tiêu hoàn thành chỉ tiêu đô thị hóa lên trên hết thay vì chú trọng cái tên và thay con dấu cơ quan hành chính" – TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nói.

 

Cơ sở để hình thành TP phía Bắc là do có vị trí thuận lợi, bán kính di chuyển hợp lý, thuận tiện kết nối giao thông với TP trung tâm, các tỉnh lân cận, đặc biệt là với quốc tế qua sân bay quốc tế Nội Bài, đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, các tuyến đường bộ (Vành đai 2, Vành đa 3, Vành đai 4, Quốc lộ 18, Quốc lộ 5, cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên) và đường thủy (sông Hồng). Đặc biệt, khu vực này còn nhiều quỹ đất chưa xây dựng có thể khai thác phát triển đô thị. Ngoài ra, có sẵn cơ sở hạ tầng như các khu công nghiệp tập trung cơ bản đã được lấp đầy, các dự án lớn đã và đang triển khai: Smart city tại Đông Anh; Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia, sân golf...