Đô thị di sản với chính sách đặc thù
Ông Phan Thiên Định - Bí thư Thành ủy Huế cho biết, việc điều chỉnh địa giới hành chính của TP Huế đã tạo ra nhiều điều kiện để phát triển, đưa TP trở thành một đô thị di sản, đặc thù. Phần lõi của TP Huế sẽ phải giữ những giá trị văn hóa di sản gắn với Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045.
“TP Huế sẽ có diện tích rộng lớn để phát triển các ngành nghề, đặc biệt là nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, chuyển đổi giống cây trồng để phát triển các thế mạnh kinh tế của từng vùng. Vùng biển cũng là nét đặc thù giúp TP Huế có thêm nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, các nguồn lợi thủy hải sản, các ngành nghề mới có thể tạo các công ăn việc làm. Bên cạnh đó, việc tăng dân số lên gấp đôi cũng tạo cơ hội TP Huế phát triển trở thành trung tâm giao thương, nơi có nhiều hoạt động mua bán diễn ra”, Bí thư Thành ủy Huế Phan Thiên Định nhấn mạnh.
Trong sự phát triển chung của các đô thị ở Việt Nam, nếu dựa vào tiêu chí để bình chọn, đô thị có vai trò là trung tâm chính trị và hành chính là Hà Nội. Đầu tàu của nền kinh tế của cả nước là TP Hồ Chí Minh. Còn nếu nói đến các giá trị cốt lõi, TP Huế đáp ứng và hội tụ đủ các đặc điểm bản sắc văn hóa Việt Nam, là đô thị lịch sử văn hóa nên không phát triển theo quy mô mà xem xét trên phương diện đô thị đặc thù và di sản. Bởi vì, những gì còn lại của kiến trúc đô thị Huế là tiêu biểu cho các kiến trúc truyền thống Việt Nam, có thể có những thành phố khác với nhiều tiềm năng kinh tế nhưng về văn hóa thì không thể so sánh với Huế được. Chính giá trị tiêu biểu, tính đặc thù đó cũng cần được xác định theo những nguyên tắc và quy chế riêng.
Theo hướng quy hoạch bảo tồn các di sản
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa - Nguyên Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin Thừa Thiên Huế, lâu nay đô thị Huế thường theo trục dọc, tức là theo từ Bắc vào Nam bám theo trục quốc lộ 1. Bây giờ với đô thị mới mở rộng này sẽ tạo ra một trục phát triển mới từ Tây sang Đông, sẽ kéo biển về gần với TP Huế hơn. Làm thay đổi bộ mặt của TP, không chỉ là cố đô truyền thống mà còn là TP biển.
“Phường Thuận An mới thành lập sẽ là hạt nhân cho sự phát triển cho toàn vùng, dọc theo bờ biển, đây là một nơi rất lý tưởng để hình thành những đô thị nghỉ dưỡng, đô thị biển” – ông Nguyễn Xuân Hoa nói.
Ngoài ra, về vùng đô thị phía Bắc sông Hương, vị trí được phân bố dày đặc các di tích lịch sử, văn hóa như phủ đệ, nhà vườn, phố cổ Bao Vinh, Gia Hội, Chi Lăng, Chợ Dinh, cho nên, vùng đô thị này cần phát triển theo hướng quy hoạch bảo tồn và trùng tu để phát triển các giá trị lịch sử - văn hóa, giá trị phát triển kinh tế du lịch là chính.
Ông Nguyễn Xuân Hoa cho rằng, ngoài trục giao thông, đồng thời là trục phát triển kết nối đô thị di sản Huế với các đô thị động lực của các huyện, thị xã, tỉnh nên mạnh dạn đầu tư mở trục phát triển mới theo hướng Đông - Tây, kết nối Huế - Thuận An và tuyến giao thông ven biển, ven đầm phá.
Quy hoạch 2 bờ sông Hương
Ngày 19/3/2021, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Quyết định số 596/QĐ-UBND về việc phê duyệt đồ án Quy hoạch chi tiết hai bên bờ sông Hương. Theo đó, phạm vi quy hoạch gồm khu vực dọc sông Hương đoạn từ đồi Vọng Cảnh đến phố cổ Bao Vinh, chiều dài khoảng 15 km. Diện tích khu vực lập quy hoạch khoảng 855.08 ha, trong đó, diện tích mặt nước 503.84 ha.
Theo nhà nghiêm cứu Nguyễn Xuân Hoa, vì sông Hương là một danh thắng rất đặc trưng của Huế, chúng ta đã nhận thấy những sự thay đổi của đôi bờ sông Hương với hệ thống đường đi bộ dọc từ chợ Đông Ba đến chùa Thiên Mụ.
“Trong công tác quy hoạch thì cần chú trọng các vùng lõi như: Kinh thành, khuôn viên đôi bờ sông, cảnh quan thượng nguồn như đồi Vọng Cảnh. Hạ lưu về đến phá Tam Giang. Là một trục phát triển nếu chỉnh trang sẽ hình thành một cụm đô thị theo hướng hiện đại”, ông Nguyễn Xuân Hoa nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, các đơn vị quy hoạch cần lưu ý các điểm nhấn tự nhiên như điện Hòn Chén, đồi Vọng Cảnh, dòng chảy sông Hương khi qua chân chùa Thiên Mụ, Cồn Dã Viên (Hữu Bạch Hổ), cồn Hến (Tả Thanh Long), Đông Ba, Gia Hội, Chợ Dinh, phố cổ Bao Vinh. Cần hiểu những yếu tố cấu thành vùng đất Thừa Thiên Huế mới thực sự góp phần phát huy giá trị, khai thác một cách có hiệu quả cảnh quan đôi bờ sông Hương.
Đối với TP Huế lâu này được xem là TP du lịch, mà du lịch của Huế gắn liền với các di tích lịch sử nên vừa phải quy hoạch tổng thể các khu đô thị bảo tồn (Kinh thành Huế), vừa xây dựng đô thị phát triển theo hướng hiện đại (các khu công nghiệp, các khu đô thị mới). Muốn tránh khỏi dẫm đạp, chồng chéo nhau theo 2 xu hướng: Bảo tồn và phát triển thì cần phải khoanh vùng, trùng tu và bảo quản các giá trị xưa cũ, những giá trị cốt lõi của Huế mà những nơi khác không thể có được. Đối với các đô thị không cần trùng tu, bảo tồn thì cần mở rộng để phát triển đô thị theo hướng công nghiệp hóa hiện đại và thương mại hóa.
Theo ThS Nguyễn Quang Trung Tiến, Khoa lịch sử trường ĐH Khoa học, ĐH Huế: Sau năm 1975, đô thị Huế phát triển với tư cách là TP tỉnh lị của tỉnh Thừa Thiên. Thực hiện chủ trương điều chỉnh các tổ chức hành chính phù hợp với hoàn cảnh mới, TP Huế tiến hành xoá bỏ đơn vị cấp quận, đổi tên phường thành khu phố, hình thành 11 khu phố trực thuộc TP. Từ khi tỉnh Bình - Trị - Thiên được thành lập trên cơ sở sáp nhập các tỉnh Thừa Thiên, Quảng Trị, Quảng Bình, khu vực Vĩnh Linh vào tháng 5/1976, đô thị Huế là TP cấp II với mạng lưới hành chính được cơ cấu theo 2 cấp: Cấp TP và cấp cơ sở phường xã. Giữa năm 1976, 4 xã thuộc huyện Hương Thủy được tách ra để nhập vào TP Huế gồm Thủy Phước, Thủy Trường, Thủy Xuân, Thủy Phú. Đến tháng 7/1976, xã Hương Lưu (gồm 2 xã Phú Hương, Phú Lưu nhập lại) thuộc huyện Phú Vang và xã Xuân Long thuộc huyện Hương Trà tiếp tục sát nhập vào TP Huế. Lúc này TP Huế bao gồm 11 phường và 6 xã.Từ tháng 9/1981, thêm 8 xã và 5 thôn thuộc huyện Hương Điền, 9 xã và 5 thôn thuộc huyện Hương Phú được sáp nhập vào TP Huế. Huế lúc này có 10 phường và 24 xã. Đến ngày 6/1/1983, đơn vị hành chính đô thị Huế lại thay đổi bằng việc tách một số đơn vị cấp xã chia thành phường mới, TP Huế lúc này có 18 phường, 22 xã.Năm 1989, tỉnh Bình - Trị - Thiên được chia thành 3 tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình thì địa giới hành chính TP Huế một lần nữa được thay đổi. TP Huế có 8 xã chuyển về huyện Hương Phú, 9 xã chuyển về huyện Hương Điền. Phần lớn các xã sáp nhập vào TP Huế từ năm 1981 được tách trở lại các huyện cũ. |