Tuy nhiên, các thương hiệu kinh doanh du lịch trực tuyến toàn cầu như: Agoda, Booking, Traveloka, Expedia... lại đang chiếm tới 80% thị phần nước ta. 20% thị phần còn lại thuộc về số ít những đơn vị kinh doanh du lịch trực tuyến trong nước như: Ivivu.com, Chudu24.com, Mytour.vn, Gotadi...
Con số này cho thấy, một “miếng bánh” thị phần màu mỡ đang rơi vào tay các DN nước ngoài. Việc hệ thống cơ sở lưu trú Việt Nam phải trả đến 30% hoa hồng cho các công ty nước ngoài khi khách đặt thuê phòng thông qua website trực tuyến như: Agoda (Singapore), Booking.com (Hà Lan)... cũng là một hồi chuông khiến ngành du lịch Việt Nam phải nhìn lại chính mình.
Thực tế này cũng phản ánh câu chuyện chuyển đổi số trong ngành du lịch cần được đẩy mạnh hơn bao giờ hết, đặc biệt trong bối cảnh ngành này đang đứng trước cơ hội phục hồi trở lại khi bình thường mới. Nhằm phát triển du lịch số, du lịch thông minh, năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1671/QĐ-TTg phê duyệt "Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025".
Thực hiện chủ trương của Chính phủ, nhiều địa phương đã đẩy mạnh việc giới thiệu phong cảnh thiên nhiên, di tích lịch sử văn hóa tới du khách thông qua nền tảng số. Cụ thể, TP Hà Nội có hệ thống du lịch Văn Miếu - Quốc Tử Giám đang triển khai hệ thống trợ lý du lịch ảo ứng dụng công nghệ thông minh nhân tạo AI, tham quan ảo 3D trên internet, trải nghiệm di tích bằng công nghệ thực tế ảo VR 360, tương tác 3D với những di sản tiêu biểu như bia Tiến sĩ, tái hiện không gian di tích những thế kỷ trước bằng công nghệ thực tế ảo 3D… Đà Nẵng có ứng dụng Da Nang Tourism, Huế có chương trình tham quan Hoàng Thành thực tế ảo... Đồng thời, một số DN du lịch, khách sạn như Vietravel, Flamingo đã ứng dụng quản lý, bán hàng trên môi trường số qua đó tạo điều kiện cho du khách đặt mua tour, đặt phòng khách sạn.
Có thể thấy ngành du lịch đã tích cực chuyển đổi số nhưng trong quá trình triển khai cũng gặp một số khó khăn như chưa nhận thức đồng bộ; chưa có sự kết nối chặt chẽ giữa các chủ thể dẫn đến hiện tượng mạnh ai người đó làm, chưa có sự thống nhất trong quá trình triển khai. Đặc biệt DN thiếu nguồn lực, hạn chế về kiến thức, trình độ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành du lịch.
Vì thế, thời gian tới, để thúc đẩy chuyển đổi số, Tổng cục Du lịch với vai trò là cơ quan quản lý cần hoàn thiện các đề án, chương trình, đề xuất sửa đổi các quy định liên quan đến mô hình này. Đồng thời, nâng cao việc liên kết hợp tác, hướng tới xây dựng nền tảng của cơ quan nhà nước và thúc đẩy sự tham gia tích cực chủ động và sáng tạo của DN, điểm đến. Tăng cường hợp tác chặt chẽ giữa ngành du lịch với ngành công nghệ từ đó giải quyết vấn đề nguồn lực cho DN; Thiết lập kết nối liên thông hệ thống thông tin giữa cơ quan quản lý, địa phương và DN. Hỗ trợ các DN khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng công nghệ và thích ứng với trạng thái bình thường mới từ đó từng bước hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh ở Việt Nam.