“Mổ xẻ” tìm nguyên nhân nhân cháy, nổ ở khu dân cư - Ảnh 1
“Mổ xẻ” tìm nguyên nhân nhân cháy, nổ ở khu dân cư - Ảnh 2

Trong thời gian qua, các cấp chính quyền TP Hà Nội phối hợp cùng nhiều lực lượng nỗ lực triển khai, đưa ra nhiều giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về cháy nổ. Mặc dù, công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đã có nhiều chuyển biến, tuy nhiên đến nay tình hình cháy, nổ vẫn diễn biến phức tạp. Đáng chú ý, đối với những ngôi nhà ống vừa ở, kết hợp kinh doanh ở khu dân cư khi xảy ra cháy nổ, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

 

“Mổ xẻ” tìm nguyên nhân nhân cháy, nổ ở khu dân cư - Ảnh 3

Thông tin từ Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) Công an TP Hà Nội cho biết: Trong 10 năm (tính từ 2013 đến 14/3/2023) trên địa bàn TP xảy ra 4.747 vụ cháy nổ; làm 154 người, bị thương 242 người, tài sản thiệt hại ước tính 1.401 tỷ đồng và khoảng 135ha rừng. Ngoài ra, còn có 5.244 vụ chập điện trên cột, 6.772 sự cố (chập điện trong nhà, phế liệu…).

Tình hình cháy nổ trong 10 năm qua diễn biến phức tạp, thiệt hại về người và tài sản cao (154 người chết, 242 người bị thương. Thiệt hại về tài sản ước tính ban đầu khoảng 1.401 tỷ đồng). Địa bàn xảy ra cháy tập trung nhiều ở các quận nội thành xảy ra 2.983 vụ, (chiếm 63,03%). Loại hình cơ sở xảy ra cháy chủ yếu ở thành phần kinh tế tư nhân (nhà kho, xưởng sản xuất, các cơ sở kinh doanh dịch vụ…) và các hộ gia đình (nhà dân đơn lẻ, chung cư cao tầng, khu tập thể).

“Mổ xẻ” tìm nguyên nhân nhân cháy, nổ ở khu dân cư - Ảnh 4

Số vụ cháy lớn, cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng, cháy gây hậu quả nghiêm trọng chỉ chiếm 3,63% tổng số vụ cháy nhưng lại gây 100% thiệt haị về người khoảng 62,28% giá trị thiệt hại về tài sản. Đáng chú ý, đã xảy ra một số vụ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản tại loại hình nhà ống phân lô, nhà ở kết hợp kinh doanh nhà trọ, nhà kho, xưởng sản xuất… Các nguyên nhân gây cháy liên quan đến hệ thống thiết bị điện chiếm tỷ lệ cao (81,4%).

Theo thống kê, hiện trên toàn TP Hà Nội có khoảng 70% nhà ở là dạng ống và có hàng trăm nghìn nhà ở kết hợp kinh doanh chỉ có lối duy nhất để thoát nạn là cửa ra vào. Trong khoảng hơn 925.000 nhà liền kề, nhà ống tại các tuyến phố, ngõ hẹp trên địa bàn TP có nhiều đặc điểm, tính chất tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy, nổ và khi có sự cố cháy, nổ xảy ra thì có khả năng cháy lớn, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng.

Có một thực tế, các nhà ống trong khu dân cư, nhà ở kết hợp kinh doanh được người dân sắp xếp thiếu khoa học, chắn hết lối đi, cửa thoát hiểm duy nhất thường là cửa chính đã bắt lửa, chặn lối thoát. Tại khu vực sân thượng và các cửa sổ hầu hết đều được hàn kín thành các “chuồng cọp”. Với kiểu thiết kế này gây rất nhiều khó khăn cho việc dập lửa, cứu hộ và cứu nạn, người ở trong nhà cũng rất khó thoát ra ngoài khi có cháy. Hậu quả thường khiến các nạn nhân tử vong do ngạt khói và khí độc…

“Mổ xẻ” tìm nguyên nhân nhân cháy, nổ ở khu dân cư - Ảnh 5

Tại hiện trường vụ cháy xảy ra sáng 13/5, tại nhà dân ở phố Thành Công, phường Quang Trung, quận Hà Đông khiến khiến 4 người tử vong, ghi nhận của phóng viên  cho thấy, ngôi nhà dạng ống, lối thoát hiểm chính là cửa ra vào được làm vật liệu sắt thép. Phía trên các tầng, mặt tiền được chủ nhà quây kín “chuồng cọp” làm bằng khung sắt rất chắc chắn để chống trộm... Bước đầu, cơ quan công an xác định, hiện trường cháy quy mô nhà ở hộ gia đình diện tích đất khoảng 50m2, diện tích xây dựng khoảng 40m2, cao 3 tầng, 1 tum, diện tích sân trước khoảng 5m2 (lợp mái tôn)… Theo lãnh đạo phường Quang Trung, căn nhà rào sắt "chuồng cọp" bịt kín mặt tiền tầng 2 và tầng 3, gây khó khăn trong công tác chữa cháy. 

Một vụ cháy khác xảy ra vào ngày 12/5, tại số 144 Văn Cao, phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền, Hải Phòng. Khu vực xảy ra cháy được kinh doanh phòng trà. Căn nhà là dạng nhà ống, có 4 tầng, bao quanh là nhiều căn nhà cao tầng khác. Vụ hỏa hoạn khiến 3 nạn nhân mắc kẹt bên trong tử vong...

Trước đó, trên địa bàn Thủ đô từng xảy ra nhiều vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng từ những loại hình nhà ở dạng ống, nhà ở kết hợp kinh doanh. Điển hình như vụ hỏa hoạn vào rạng sáng 21/4/2022 tại căn nhà có 2 tầng, 1 tum với diện tích khoảng 41m2 ở ngõ 65 Phạm Ngọc Thạch, phường Kim Liên, quận Đống Đa (Hà Nội) khiến 5 người tử vong thương tâm… Rồi vụ cháy vào rạng sáng 4/4/2021 tại căn nhà số 311 Tôn Đức Thắng đã làm 4 người thiệt mạng, trong đó có một phụ nữ đang mang thai…

“Mổ xẻ” tìm nguyên nhân nhân cháy, nổ ở khu dân cư - Ảnh 6
“Mổ xẻ” tìm nguyên nhân nhân cháy, nổ ở khu dân cư - Ảnh 7

Có thể nhận thấy rằng, trong không gian sống ở đô thị, hiện nay sự lơi là, chủ quan của người dân đối với “giặc lửa” có sự nghịch lý và là nguyên nhân chính gây nhiều vụ cháy lớn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Thực tế, người dân có thể chi hàng trăm triệu đồng để mua sắm trang thiết bị hiện đại trong gia đình nhưng lại không bỏ ra vài trăm nghìn đồng để mua những thiết bị báo cháy, bình chữa cháy... Thậm chí, người dân cũng lo “chống trộm hơn chống cháy”.

Chính nghịch lý này tạo nên những ngôi nhà được lắp đặt lồng sắt, bịt kín mặt tiền, chặn hết các phương án thoát nạn khẩn cấp. Khi xảy ra hỏa hoạn, căn nhà như chiếc lồng kiên cố nhốt các nạn nhân trong đó và khi lực lượng cứu hỏa và người dân dù đã rất cố gắng tìm cách giải cứu, nhưng cũng đành bất lực (?!).

Là người có nhiều kinh nghiệm trong chỉ huy và trực tiếp tham gia nhiều vụ chữa cháy, Thượng tá Đỗ Anh Quyến, Phó Trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho biết: "Xu hướng 'phòng trộm mà quên phòng cháy' diễn ra ở hầu khắp các dạng nhà. Những nhà dạng ống gần như chỉ có cầu thang trong nhà là lối thoát hiểm duy nhất. Tuy nhiên, khi có cháy, lối thoát này đã bị khói, lửa chặn. Với phương thức tối ưu nhất của lực lượng PCCC là phải cắt dỡ những lồng sắt để mở đường cứu nạn. Khi lực lượng PCCC trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, thời gian cắt các lồng sắt khá lâu dẫn tới không kịp cứu người. Do đó, những “chuồng cọp” càng được gia công kiên cố thì nguy cơ thiệt hại về người và tài sản càng lớn bởi đường thoát nạn đã bị bịt kín".

“Mổ xẻ” tìm nguyên nhân nhân cháy, nổ ở khu dân cư - Ảnh 8

Thượng tá Đỗ Anh Quyến cho rằng, để đảm bảo an toàn PCCC đối với loại hình nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, nhà ở dạng ống, các cơ sở, loại hình nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh chấp hành nghiêm túc các quy định về PCCC. Chủ gia đình cần chủ động tìm hiểu để có kiến thức và kỹ năng cơ bản về PCCC; đôn đốc, nhắc nhở thành viên trong hộ gia đình thực hiện quy định của pháp luật về PCCC và nắm vững kiến thức cơ bản về PCCC, thoát nạn, cứu người trong đám cháy, sơ cứu ban đầu.

Đối với nhà ở gia đình, nhà dạng ống, nhà liền kế, chia lô: Không sắp xếp vật dụng che chắn, cản trở lối thoát nạn; không lắp đặt biển quảng cáo, lồng sắt, lưới sắt tại các ban công, lô gia của nhà; tầng sân thượng, mái cần bố trí thông thoáng và có lối lên từ tầng dưới qua các thang cố định và cửa đi... Đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, chứa hàng hóa, chất nguy hiểm về cháy, nổ nên bố trí tách biệt với nơi ở, sinh hoạt; không sản xuất, kinh doanh chất, hàng hóa dễ cháy, nổ trong ngôi nhà (xăng, dầu, hóa chất dễ cháy, nổ…).

Cùng với đó, cần sắp xếp vật dụng, hàng hóa, vật liệu dễ cháy ngăn nắp, gọn gàng, cách xa nơi phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt (tủ điện, ổ cắm điện…) tối thiểu 0,5m. Không tích trữ, chứa xăng, dầu, khí đốt, chất lỏng dễ cháy ở trong nhà; không bảo quản, sử dụng chất khí, chất lỏng dễ cháy, nổ trong tầng hầm, cùng với khu vực có nhiều vật dụng, hàng hóa dễ cháy và trong phòng ngủ...; Quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt khi đun nấu, thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã…, khi sử dụng các thiết bị đốt nóng, sửa chữa, thi công, hàn cắt...

 

“Mổ xẻ” tìm nguyên nhân nhân cháy, nổ ở khu dân cư - Ảnh 9

Trung tá Nguyễn Hùng An, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC, Công an quận Ba Đình đánh giá: Những căn nhà dạng ống thường không đảm bảo yêu cầu PCCC, từ khả năng tiếp cận của phương tiện phòng cháy chuyên nghiệp, đến phương tiện chữa cháy tại chỗ.

Nhằm đảm bảo an toàn trong PCCC, cùng với việc tuyên truyền, thuyết phục người dân tự trang bị các thang, dây tự cứu, lắp các thiết bị cảnh báo cháy sớm và làm cửa thoát nạn giữa các nhà liền kề… các vòi chữa cháy cũng được trang bị đến các khu dân cư để giảm thiểu hậu quả các vụ cháy nổ. Mong rằng người dân sẽ tự chủ động trang bị các phương tiện PCCC tại chỗ và tham gia vào các khóa tập huấn, huấn luyện để nâng cao năng lực chữa cháy tại chỗ.

“Mổ xẻ” tìm nguyên nhân nhân cháy, nổ ở khu dân cư - Ảnh 10

Trên thực tế, trong công tác PCCC, suốt nhiều năm qua Công an TP Hà Nội đã chủ động, thường xuyên tuyên truyền tập huấn từ các cơ quan, doanh nghiệp đến khu dân cư. Thông qua tuyên truyền không chỉ là biện pháp nhắc nhở nâng cao ý thức mà còn là biện pháp trau dồi kỹ năng thoát nạn trong tình huống cháy, nổ. Nhiều kế hoạch, mô hình về PCCC được triển khai... Trong luật PCCC cũng quy định rõ công tác PCCC là trách nhiệm của toàn dân. Vì thế, để an toàn thay vì nghĩ “cháy nhà họ chứ không phải nhà mình”, bằng cách phải phòng cháy tốt, nếu không trường hợp xảy cháy nhà hàng xóm sẽ lan sang nhà mình bất cứ lúc nào.

Về công tác đảm bảo an toàn PCCC trên địa bàn TP, Đại tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH,  Công an TP Hà Nội cho biết: Tính từ năm 2018 đến nay, đã thành lập 35 đoàn kiểm tra liên ngành, tổ chức kiểm tra an toàn PCCC đối với 425 cơ sở, qua đó phát hiện và kiến nghị 868 tồn tại, thiếu sót về PCCC, lập 160 biên bản xử phạt vi phạm hành chính, ban hành 160 quyết định xử lý vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt hàng tỷ đồng...

Đối với loại hình nhà ống, nhà ở kết hợp kinh doanh tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, Đại tá Phạm Trung Hiếu khuyến cáo: Người dân không được bịt kín hoàn toàn ngôi nhà của mình mà nên chủ động mở lối thoát hiểm ở ban công hoặc khu vực tầng thượng. Trong trường hợp lắp “chuồng cọp” thì gia chủ phải thiết kế ô cửa có khóa và để chìa khóa ở nơi dễ lấy. Khóa này cũng phải được mở thường xuyên, phòng trường hợp khi xảy ra sự cố, do mất bình tĩnh nên không tìm thấy chìa khóa hoặc khóa bị gỉ sét, khó mở.

“Mổ xẻ” tìm nguyên nhân nhân cháy, nổ ở khu dân cư - Ảnh 11

Khi xảy ra hỏa hoạn, người trong nhà có thể thông qua các ô cửa này thoát ra ngoài bằng dây thừng. Nếu trong nhà không có dây thừng, người dân có thể dùng rèm, màn, quần áo nối với nhau để trèo xuống qua ô cửa. Những nhà xây mới, người dân nên bố trí lối thoát nạn đủ kích thước. Các nhà dân liền kề nên cùng nhau xây dựng phương án để tạo ra lối thoát hiểm ở ban công, từ nhà này sang nhà khác, khi xảy ra cháy có thể trợ giúp.

"Người dân cần phải luôn ý thức và chủ động chuẩn bị các phương án thoát nạn khi có cháy, nổ xảy ra, dự kiến các lối thoát nạn khác ngoài cửa chính như: ban công, sân thượng...; không lắp đặt biển quảng cáo, lồng sắt, lưới sắt tại ban công của nhà; không khóa cửa lên mái, trường hợp cửa có khóa cần quy định vị trí để chìa khóa...", Đại tá Phạm Trung Hiếu cho hay.

Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn thiết kế & Xây dựng Top Design, KTS Trần Tuấn Anh cho biết, việc xây dựng nhà liền kề tại đô thị hiện nay nảy sinh bất cập lớn, đó là chỉ có cửa ra vào theo một hướng. Trong nhà cũng không được thiết kế thang bộ dự phòng để thoát hiểm nên khi xảy ra sự cố cháy nổ việc thoát hiểm trở nên khó khăn, phức tạp, đặc biệt với đám cháy ở phía cửa ra vào lại càng nguy hiểm hơn.

“Mổ xẻ” tìm nguyên nhân nhân cháy, nổ ở khu dân cư - Ảnh 12

Nhà ở liền kề tại đô thị do hạn chế về diện tích, lại được cấp phép xây dựng với mật độ 100% nên các gia đình đều xây hết đất mà không để lại một khoảng lùi để làm thang thoát hiểm khi có sự cố xảy ra. Qua một số sự cố đáng tiếc đã xảy ra, các cơ quan chức năng nên xem xét siết chặt hơn quy định khi cấp phép xây dựng cho công trình nhà ở liền kề liên quan đến khoảng lùi.

Những hộ gia đình sinh sống trong những ngôi nhà này mà đang cho thuê kinh doanh (hoặc tự kinh doanh buôn bán) cần phải hết sức chú ý đến việc lắp đặt biển quảng cáo sai quy định, làm cản trở hoạt động CNCH khi cháy nổ và bổ sung thêm thang bộ, cửa thoát hiểm. Hầu hết công trình nhà liền kề ở đô thị được xây dựng san sát nhau. Để đảm bảo an toàn các gia đình đều xây dựng lắp đặt kín phần mái nhà, không bố trí cửa thoát hiểm. Vì vậy, cần thiết kế thêm cửa thoát hiểm trên mái và thang bộ, phòng trường hợp sự cố xảy ra có thể thoát hiểm theo lối này.

Hiện nay, đang bước vào mùa hè nắng nóng, việc sử dụng điện tăng, nhiều thiết bị điện hoạt động hết công suất dễ dẫn đến hiện tượng quá tải, chập cháy. Để phòng ngừa, giảm thiểu các vụ hỏa hoạn, đòi hỏi các cấp chính quyền và cơ quan chức năng đề cao hơn vai trò, trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ quản lý nhà nước về PCCC; Đẩy mạnh tuyên truyền các quy định pháp luật về an toàn cháy nổ, cảnh báo nguy cơ cháy nổ; hướng dẫn kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, thoát nạn khi có cháy xảy ra nhằm nâng cao nhận thức cho người dân.

Cùng với đó, các cơ quan chức năng thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra và kiên quyết xử lý nghiêm minh, công khai các trường hợp không chấp hành quy định pháp luật về phòng chống cháy nổ, cũng như làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị buông lỏng an toàn về cháy nổ,… Hơn thế, mỗi người dân, mỗi hộ gia đình không thể chủ quan với “giặc lửa”. Hãy thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức trách nhiệm đối với vấn đề an toàn cháy nổ, có sẵn phương án chủ động phòng ngừa để bảo vệ tính mạng, tài sản của chính bản thân, gia đình và cộng đồng.

“Mổ xẻ” tìm nguyên nhân nhân cháy, nổ ở khu dân cư - Ảnh 13
“Mổ xẻ” tìm nguyên nhân nhân cháy, nổ ở khu dân cư - Ảnh 14

08:34 15/05/2023