Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hội nghị kết nối sản phẩm OCOP vùng Đồng bằng sông Cửu Long:

Mỗi sản phẩm là một "đại sứ" của vùng, miền

Hoàng Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sản phẩm OCOP đã khai thác, phát huy những giá trị văn hóa và truyền thống của địa phương, mang trên mình vai trò "đại sứ" của từng vùng, miền và chuyển tải những câu chuyện sản xuất mang nhiều tính nhân văn.

Chợ phiên trên sàn điện tử Tiktok tại Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP ĐBSCL năm 2023 đang diễn ra tại TP Cà Mau (Ảnh: Hoàng Nam)
Chợ phiên trên sàn điện tử Tiktok tại Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP ĐBSCL năm 2023 đang diễn ra tại TP Cà Mau (Ảnh: Hoàng Nam)

Đó là ý kiến phát biểu của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT – Phùng Đức Tiến tại Hội nghị Kết nối sản phẩm OCOP với các hệ thống thương mại (ngày 11/12) sự kiện nằm trong khuôn khổ “Festival tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL năm 2023”. 

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến tại Hội nghị (Ảnh Hoàng Nam)
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến tại Hội nghị (Ảnh Hoàng Nam)

Hơn 100 chủ thể OCOP vùng ĐBSCL, trong đó có 66 chủ thể OCOP tỉnh Cà Mau tham dự và trưng bày sản phẩm. Bên cạnh đó, Hội nghị còn có sự tham dự trực tuyến của 43 doanh nghiệp.

145 sản phẩm của Cà Mau đều lên sàn điện tử

Tại Hội nghị, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL tại Cà Mau lần thứ 2 được tổ chức (lần thứ nhất năm 2022 tại Đồng Tháp), với kỳ vọng sẽ tiếp tục thành công để kết nối người mua, doanh nghiệp, hệ thống phân khối với các chủ thể OCOP vùng ĐBSCL nói riêng và của cả nước nói chung, qua đó phát triển sản phẩm OCOP ra thị trường ngày càng nhiều hơn, xa hơn.

Ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau (Ảnh Hoàng Nam)
Ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau (Ảnh Hoàng Nam)

Là tỉnh có vị trí đặc biệt nằm ở cực Nam của Tổ quốc, Cà Mau giáp cả biển Đông và biển Tây với tiềm năng của rừng, biển và hệ sinh thái động vật, thực vật phong phú, đa dạng, đã tạo nên nhiều đặc sản địa phương, góp phần thúc đẩy Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) phát triển nhanh chóng.

Qua 4 năm triển khai thực hiện chương trình, Cà Mau đã có 145 sản phẩm OCOP được công nhận, trong đó có 32 sản phẩm đạt 4 sao và 113 sản phẩm đạt 3 sao. Hiện nay, 42 sản phẩm OCOP của tỉnh đã được đưa vào hệ thống các siêu thị, liên kết với các đại lý phát triển thị trường ngoài tỉnh. Đặc biệt,  các sản phẩm OCOP của Cà Mau đã có mặt tại các sàn giao dịch thương mại điện tử như: Viettel (voso.vn), Lazada mall, Amazon, Alibaba… và 100% sản phẩm OCOP của Cà Mau đều được đưa lên trang sàn thương mại điện tử của tỉnh Cà Mau (madeincamau.com).

“Đại sứ” của quê hương

Phát biểu tại hội nghị, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT chia sẻ, phát triển sản phẩm OCOP đã góp phần chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang sản xuất gắn với kinh doanh, đặc biệt là gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với phát triển kinh tế, dịch vụ và du lịch. Sản phẩm OCOP đã mở ra tiềm năng lớn phát triển kinh tế nông thôn vùng ĐBSCL, đồng thời góp phần không nhỏ trong việc quảng bá giá trị văn hóa, du lịch, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của các địa phương. 

“Có thể nói, mỗi sản phẩm OCOP đã mang trên mình một vai trò đại sứ của từng vùng, miền và chuyển tải những câu chuyện sản xuất mang nhiều tính nhân văn. Ngày nay, các sản phẩm OCOP đã và đang đáp ứng được nhu cầu của thị trường tiêu dùng, các sản phẩm đặc sản truyền thống của địa phương" - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Sản phẩm OCOP của Bến Tre tại Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP ĐBSCL năm 2023 (Ảnh Hoàng Nam)
Sản phẩm OCOP của Bến Tre tại Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP ĐBSCL năm 2023 (Ảnh Hoàng Nam)

Cũng theo ông Phùng Đức Tiến, sau hơn 13 năm triển khai xây dựng chương trình nông thôn mới bên cạnh sự khởi sắc, nổi bật, về diện mạo nông thôn, kinh tế nông thôn có đã có sự thay đổi rõ rệt, góp phần vào quá trình phát triển công nghiệp hóa hiện đại hóa và hội nhập của nền kinh tế đất nước. Chương trình mỗi xã một sản phẩm được Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia xác định là chương trình phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm, nhằm nâng cao thu nhập của cư dân nông thôn, đặc biệt là hỗ trợ các tổ chức kinh tế nhỏ và vừa ở khu vực nông thôn như: tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa… gắn với các sản phẩm đặc trưng có quy mô làng xã.

Chợ 

Chợ phiên OCOP trên nền tảng Tiktok tại Festival, đến nay, 100 sản phẩm OCOP của Cà Mau đều đã lên sàn điện tử (Ảnh: Hoàng Nam)

ĐBSCL chiếm 1/5 sản phẩm OCOP cả nước

Theo báo cáo, đến nay, sau hơn 5 năm triển khai, cả nước đã có 10.811 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên của 5.610 chủ thể, trong đó có 37,9% là HTX, 24% là doanh nghiệp, 35,2% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác.  

ĐBSCL có hơn 2.000 sản phẩm OCOP, chiếm 1/5 cả nước, trong ảnh là quầy sản phẩm OCOP của tỉnh An Giang tại Festival tôm Cà Mau (Ảnh Hoàng Nam)
ĐBSCL có hơn 2.000 sản phẩm OCOP, chiếm 1/5 cả nước, trong ảnh là quầy sản phẩm OCOP của tỉnh An Giang tại Festival tôm Cà Mau (Ảnh Hoàng Nam)
Người tiêu dùng mua sản phẩm OCOP tại Festival (Ảnh Hoàng Nam)
Người tiêu dùng mua sản phẩm OCOP tại Festival (Ảnh Hoàng Nam)

 Diễn đàn OCOP vùng ĐBSCL là một sự kiện lớn của vùng có ý nghĩa quan trọng gắn với mục tiêu hình thành không gian kết nối, giao lưu chia sẻ và hợp tác trong sản xuất, quảng bá và thương mại sản phẩm thô của các tỉnh ĐBSCL. Đồng thời là không gian để người tiêu dùng, các doanh nghiệp phân phối có thể tiếp cận, trải nghiệm và giao thương với sản phẩm OCOP.