Trường đại học phải là môi trường văn hóa
Theo các chuyên gia, môi trường văn hóa nhà trường trong các trường đại học được biểu hiện sinh động, đa dạng ở hệ giá trị, triết lý, mục tiêu, sứ mệnh, tầm nhìn của nhà trường. Đây là một trong những thành tố quan trọng mang tính chất sống còn, gắn chặt với quá trình hình thành và phát triển của nhà trường, tạo ý chí, niềm tin, khát vọng cống hiến, thắt chặt tinh thần đoàn kết giữa các cá nhân với nhà trường, giữa nhà trường với xã hội.
TS Đỗ Hồng Cường- Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Thủ đô Hà Nội nêu rõ: “Môi trường văn hóa trường đại học được biểu hiện trực tiếp ở bầu không khí làm việc; ở tinh thần, thái độ, phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ, giảng viên (CBGV); ở mối quan hệ ứng xử giao tiếp giữa lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo các phòng ban chức năng với đội ngũ CBGV, giữa đội ngũ CBGV với sinh viên (SV) và ngược lại.
Đồng thời, môi trường văn hóa trường đại học được thể hiện cụ thể qua cảnh quan, không gian, sự tổ chức sắp xếp hài hòa các yếu tố thiên nhiên - con người - văn hóa, cách bài trí nhà trường. Tất cả tạo thành môi trường sống, làm việc đặc trưng, mang đậm dấu ấn truyền thống lịch sử - văn hóa, tính chất ngành nghề, lĩnh vực và đặc trưng, đặc thù của nhà trường”.
Do vậy, môi trường văn hóa trường đại học lành mạnh, nhân văn, dân chủ, khoa học sẽ tạo động lực để đội ngũ CBGV và sinh viên (SV) không ngừng sáng tạo, cống hiến, hoàn thành tốt trọng trách, sứ mệnh, nhiệm vụ được giao, củng cố hình ảnh, uy tín, thương hiệu, niềm tin của nhà trường.
Để tạo dựng môi trường văn hóa nhà trường, việc nâng cao nhận thức của đội ngũ CBGV có ý nghĩa quyết định, bởi chủ thể xây dựng, thực hành và thụ hưởng môi trường văn hóa nhà trường chủ yếu là CBGV.
Môi trường văn hóa nhà trường không tự nhiên hình thành, nó là kết quả, công sức của nhiều thế hệ CBGV và SV qua các giai đoạn, thời kỳ sáng tạo, gìn giữ và trao truyền.
TS Nguyễn Thị Thanh Thủy cho rằng, các yếu tố cấu thành văn hóa nhà trường bao gồm những giá trị cốt lõi của nhà trường được tạo dựng, chính sách và chuẩn mực đạo đức của tổ chức, biểu tượng và truyền thống của tổ chức, đồng phục… tạo nên phong cách chung của tổ chức, nghi thức, niềm tin, thái độ của các thành viên cùng các mối quan hệ và cảm xúc mong muốn của mỗi cá nhân.
Những tác dụng tích cực của một môi trường văn hóa của trường học được tạo dựng từ các thành tố cơ bản của văn hóa nhà trường. Một môi trường văn hóa tích cực và lành mạnh trong trường học có thể nuôi dưỡng bầu không khí cởi mở, dân chủ, tạo điều kiện cho sự sáng tạo và đổi mới nếu coi trọng con người, cổ vũ sự nỗ lực hoàn thành công việc và công nhận sự thành công của mỗi người.
Giải pháp nâng cao văn hóa nhà trường
Trong môi trường văn hóa học đường, năng lực, uy tín chuyên môn và phong cách lãnh đạo của người đứng đầu có ý nghĩa quan trọng, quy tụ sức mạnh, tinh thần đoàn kết của cả tập thể.
Muốn xây dựng một môi trường văn hóa lành mạnh và tiến bộ cần đặt việc xây dựng môi trường văn hoá vào vị trí quan trọng của xây dựng văn hoá tinh thần. Việc xây dựng một môi trường văn hóa cần dựa trên quan điểm lấy con người làm gốc và coi những giá trị nhân văn làm trung tâm.
TS Vũ Thị Quỳnh cho hay, văn hóa nhà trường sẽ giúp cho nhà trường thực sự trở thành một trung tâm văn hóa giáo dục, là nơi hội tụ sức mạnh trí tuệ và lòng nhân ái trong xã hội, góp phần tạo nên một sản phẩm giáo dục toàn diện. Xây dựng văn hóa nhà trường là một yêu cầu tất yếu của hoạt động giáo dục trong nhà trường.
Việc xác định và đưa ra các tiêu chí văn hóa nhà trường phù hợp sẽ định hướng cho mọi hoạt động trong nhà trường, là cơ sở giúp cho hoạt động quản lý từ các cơ quan quản lý giáo dục đến việc quản lý trong nhà trường tốt hơn, trong đó có hoạt động dạy của giảng viên, hoạt động học của sinh viên và các hoạt động giáo dục trong nhà trường.
Các tiêu chí xây dựng văn hóa nhà trường còn là công cụ giúp nhà trường, mỗi thành viên trong nhà trường kiểm tra đánh giá xem trường mình có đạt tiêu chuẩn nhà trường văn hóa hay không, đang ở mức độ nào…
Tiêu chí văn hóa xác định rõ trách nhiệm đối với cán bộ quản lý, giảng viên, nhân viên; tạo động lực làm việc, định hướng các chuẩn mực và quy tắc ứng xử, chi phối hoạt động giảng dạy và giáo dục, hỗ trợ thiết chế quản lý xã hội…
Ngoài ra, điều cần thiết nữa là xây dựng Bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong nhà trường. Đó là tập hợp những chuẩn mực, giá trị, thái độ và hành vi ứng xử thông qua các hoạt động giao tiếp, giảng dạy, học tập… của cán bộ, giảng viên, nhân viên, người học trong nhà trường nhằm tạo một môi trường làm việc thân thiện, hợp tác, trách nhiệm, cởi mở, trung thực, văn minh.
Mỗi cơ sở giáo dục đều có quy định riêng nhằm chỉ rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của các thành viên trong nhà trường, những điều nên làm và không nên làm để tạo dựng môi trường làm việc mang tính đặc thù, phù hợp với truyền thống lịch sử của mỗi nhà trường. Bộ quy tắc ứng xử sẽ góp phần phát huy tính tích cực, xây dựng văn hóa làm việc, thương hiệu uy tín của nhà trường đối với xã hội.
Theo TS Nguyễn Thị Thanh Hòa, trong bối cảnh đạo đức xã hội ở một số cơ quan đang có xu hướng suy thoái, vấn nạn bạo lực học đường, lương tâm nghề nghiệp có những biểu hiện lệch chuẩn thì việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử văn hóa đối với các cơ sở giáo dục , cụ thể là quy tắc ứng xử của cán bộ, giảng viên, nhân viên và người học càng trở nên cần thiết.
Văn hóa nhà trường là một trong những nội dung được đề cập và trao đổi tại Hội thảo “Văn hóa công sở và việc tạo dựng môi trường văn hóa công sở ở Trường ĐH Thủ đô Hà Nội” diễn ra ngày 18/5, do Khoa KHXH&NV trường ĐH Thủ đô Hà Nội chủ trì. Hội thảo là dịp để các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ giảng viên cùng nhìn nhận, đánh giá kĩ hơn thực trạng, chia sẻ các quan điểm, hướng tiếp cận cũng như sự cần thiết của việc tạo dựng một môi trường văn hóa công sở khoa học, dân chủ, trí thức, tích cực và nhân văn.