Chiến lược đối ngoại của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhằm làm dịu căng thẳng với Mỹ bằng cách vuốt ve cái tôi của Tổng thống Donald Trump đã rất hiệu quả, thông qua sự kiện chào đón ông Modi tại Mỹ cuối tuần qua.
"Baar Abki, Trump sarkar"
Với tên gọi “Howdy, Modi”, buổi mít tinh được tổ chức để đón chào Thủ tướng Ấn Độ và được coi là sự kiện lớn nhất dành cho một nhà lãnh đạo nước ngoài tới Mỹ, trừ Đức Giáo hoàng. Những người tham dự - phần lớn là cộng đồng người Ấn ở Texas, đã tới sân vận động NRG với sức chứa 72.000 chỗ. Houston là thành phố đa dạng nhất của Mỹ, nơi có khoảng 150.000 người Mỹ gốc Ấn Độ.
Tổng thống Modi đã mời ông Trump cùng tham gia sự kiện với tư cách khách mời đặc biệt, nhưng các biển báo và hò reo cho thấy ông Modi mới là điểm thu hút chính, với hình ảnh xuất hiện dày đặc trên những màn chiếu lớn.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại sự kiện "Howdy, Modi". |
Sự kiện này tràn đầy năng lượng với những điệu múa Ấn Độ và dàn nhạc cỡ lớn. Khi Tổng thống Trump đến, video phát sóng cho thấy ông và Thủ tướng Modi cùng bước xuống tấm thảm đỏ uốn lượn qua các vòng cung của sân vận động.
Các nhà lãnh đạo của hai nền dân chủ lớn nhất thế giới đã sánh vai trên sân khấu ở Houston trước đám đông hàng chục ngàn người Mỹ gốc Ấn, nơi ông Modi đưa ra nhiều mỹ từ cho nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump.
“Cái tên của ông được cả hành tinh này biết đến… ngay cả trước khi giữ vị trí cao nhất ở đất nước tuyệt vời này. Từ CEO đến Tổng Tư lệnh, từ phòng họp đến Phòng Bầu dục. Từ hãng phim đến sân khấu toàn cầu”, ông Modi nói về ông Trump.
Sau đó, ông Modi đã tái sử dụng khẩu hiệu chiến dịch tranh cử của ông ở Ấn Độ để hỗ trợ cho ông Trump trong cuộc tái tranh cử năm tới. Đó là: “Baar Abki, Trump sarkar”, nghĩa là: “Lần này, một quốc gia của Trump”. Kèm theo đó Thủ tướng Modi còn kể lại trong lần gặp đầu tiên, ông Trump đã nói: “Ấn Độ có một người bạn thật sự trong Nhà Trắng”.
Tổng thống Trump đáp lại bằng lời khen ngợi tài lãnh đạo kinh tế của ông Modi, khẳng định sự hiện diện tại sự kiện lần này của mình nhằmbày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với gần 4 triệu người Mỹ gốc Ấn. Ông chủ Nhà Trắng cũng cho biết Mỹ và Ấn Độ sẽ thúc đẩy thương mại, tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung và thậm chí hợp tác trong việc thám hiểm không gian.
Sự xuất hiện chung của hai nhà lãnh đạo đến vào thời điểm nhạy cảm trong quan hệ Mỹ-Ấn. Sau khi Mỹ áp thuế đối với nhập khẩu thép và nhôm của Ấn Độ, Ấn Độ đã tìm mọi cách để giảm căng thẳng thương mại với chính quyền ông Trump, đồng thời kích thích nguồn đầu tư mới.
Hai nhà lãnh đạo - cả hai chính trị gia trung –hữu, có điểm chung là mang cá tính mạnh và gây tranh cãi - sẽ cùng tham dự Đại hội đồng Liên Hợp quốc tại New York trong tuần này.
Những lá phiếu mới
Trong cuộc bầu cử năm 2016, ông Trump đã giành được sự ủng hộ của khoảng 14% cử tri Mỹ gốc Ấn Độ, con số khiêm tốn so với 84% của bà Hillary Clinton, theo một phân tích của Quỹ Giáo dục và Quốc phòng Mỹ Châu Á.
Do đó, Tổng thống Trump đã nỗ lực trực tiếp để mở rộng chia sẻ hỗ trợ giữa những người Mỹ gốc Ấn trong cuộc bầu cử năm 2020. Trong bài phát biểu tại đây, Tổng thống Mỹ đã dành nhiều lời có cánh với khoảng 4 triệu người Mỹ gốc Ấn Độ.
“Các bạn làm phong phú văn hóa Mỹ, đề cao các giá trị Mỹ, nâng đỡ các cộng đồng và thực sự tự hào là người Mỹ - và chúng tôi tự hào khi có các bạn là người Mỹ”, ông Trump nói.
“Nước Mỹ sẽ chăm sóc công dân của chúng tôi trước tiên- các công dân Mỹ gốc Ấn, trước khi chúng tôi chăm sóc những người nhập cư bất hợp pháp muốn tràn vào đây”, ông Trump nói, đồng thời cam kết mở rộng hợp tác quân sự với Ấn Độ.
Ông Rangaswami, nhà sáng lập tổ chức Indiaspora – một trong những nhà tổ chức sự kiện này khẳng định, đây là cơ hội để ông Trump giành được những lá phiếu bỏ lỡ vào năm 2016.
Trong khi đó, Thượng Nghị sĩ đảng Cộng hòa John Cornyn từ tiểu bang Texas khẳng định, việc tới Houston và tận dụng đám đông lớn chào đón ông Modi để “làm hình ảnh” cho mình là lựa chọn thông minh của ông Trump.
“Chính trị vẫn là chính trị thôi, điều quan trọng là bạn phải xuất hiện, lắng nghe một cách đầy tôn trọng và cố gắng tìm điểm chung với những cử tri tiềm năng”, ông Cornyn chia sẻ với báo giới. “Tôi không nghĩ Tổng thống chọn tới đây một cách ngẫu nhiên”.