Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mong manh triển vọng hòa bình tại Nagorno - Karabakh

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 26/10, các bên xung đột tại Nagorny - Karabakh lại cáo buộc lẫn nhau vi phạm lệnh ngừng bắn thứ ba vừa nhất trí trước đó một ngày.

Các cuộc giao tranh giữa Azerbaijan và Armenia vẫn diễn ra dù vừa có thêm thỏa thuận ngừng bắn lần thứ 3 và việc vi phạm 2 thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo trước đó do Nga làm trung gian cho thấy triển vọng giải quyết xung đột quân sự tại khu vực ly khai Nagorno - Karabakh bằng giải pháp hòa bình rất mong manh.
 Lệnh ngừng bắn nhân đạo mới liên quan đến cuộc xung đột ở Nagorny - Karabakh bắt đầu có hiệu lực từ 8 giờ ngày 26/10. 
Trước đó, ngày 26/10, các bên xung đột tại Nagorny - Karabakh lại cáo buộc lẫn nhau vi phạm lệnh ngừng bắn vừa nhất trí trước đó một ngày. 
Bộ Quốc phòng Azerbaijan cho biết các lực lượng Armenia đã vi phạm lệnh ngừng bắn khi nã pháo vào các ngôi làng ở khu vực Terter và Lachin. Trong khi đó, cơ quan quốc phòng ở Nagorny - Karabakh cho rằng cáo buộc trên "sai sự thật", đồng thời cho biết các lực lượng Azerbaijan đã tấn công tên lửa vào các vị trí của quân đội Armenia khiến 11 người chết và thương vong.
Trong một tuyên bố chung ra ngày 25/10, Bộ Ngoại giao Mỹ cùng chính phủ các nước Armenia và Azerbaijan cho biết lệnh ngừng bắn nhân đạo mới liên quan đến cuộc xung đột ở Nagorny - Karabakh bắt đầu có hiệu lực từ 8 giờ ngày 26/10 theo giờ địa phương. Tuyên bố được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 23/10 gặp hai người đồng cấp của Armenia và Azerbaijan tại Washington nhằm thúc đẩy hòa bình, và sau cuộc họp của các đồng chủ tịch Nhóm Minsk thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE). 
Căng thẳng tại Nagorny - Karabakh, vùng lãnh thổ của Azerbaijan được cộng đồng quốc tế thừa nhận nhưng có đa số dân số là người gốc Armenia, tái bùng phát từ ngày 27/9 vừa qua sau khi nổ ra các vụ đụng độ ác liệt giữa hai bên khiến hàng trăm người thiệt mạng.
Trước thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo ngày 25/10, Armenia và Azerbaijan đã nhất trí 2 lệnh ngừng bắn vào ngày 10/10 và 17/10, tuy nhiên, hai bên đều cáo buộc nhau vi phạm ngay sau khi các thỏa thuận này có hiệu lực.

Các nhà lãnh đạo thế giới nhiều lần khẳng định chỉ có giải pháp ngoại giao mới được chấp nhận để giải quyết cuộc đụng độ mới nhất tại Nagorny - Karabakh, đồng thời cảnh báo nguy cơ một cuộc xung đột diện rộng có thể kéo theo Thổ Nhĩ Kỳ - đồng minh của Azerbaijan, và Nga - quốc gia đã ký hiệp ước phòng vệ tập thể với Armenia.
Với những diễn biến hiện nay, nỗ lực kêu gọi Armenia và Azerbaijan thay đối đầu bằng đối thoại là chưa đủ, điều quan trọng hơn là chính hai bên cần thật sự bày tỏ thiện chí để các cuộc đàm phán tới đây sẽ mang lại kết quả thực chất.