Moscow cảnh báo G7 về kế hoạch áp giá trần dầu mỏ của Nga

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak, Moscow sẽ ngừng cung cấp dầu mỏ và các sản phẩm dầu cho các quốc gia quyết định hạn chế giá dầu của Nga.

Nga dọa ngừng bán dầu cho nước nào định khống chế giá trần với dầu của Nga - Ảnh: TASS
Nga dọa ngừng bán dầu cho nước nào định khống chế giá trần với dầu của Nga - Ảnh: TASS

RT đưa tin, Phó Thủ tướng Novak ngày 1/9 tuyên bố nếu các nước áp đặt giới hạn giá, thì Nga sẽ không cung cấp dầu và các sản phẩm dầu cho họ, vì nước này sẽ không làm việc với “các điều kiện phi thị trường". Ông cũng chỉ trích các đề xuất áp đặt các hạn chế đối với giá dầu của Nga là "hoàn toàn vô lý".

“Đây là một đề xuất hoàn toàn vô lý… Đối với những công ty hoặc quốc gia áp đặt biện pháp giới hạn giá, chúng tôi sẽ không cung cấp dầu và các sản phẩm dầu mỏ bởi vì chúng tôi sẽ không làm việc trong những điều kiện phi thị trường,” - ông Novakd nói với các phóng viên về kế hoạch áp giá trần với dầu Nga của Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).

Theo Phó Thủ tướng Novak, một kế hoạch như vậy sẽ gây nguy hiểm cho các cơ chế thị trường của “một ngành công nghiệp quan trọng như dầu mỏ,” và chỉ có thể dẫn đến sự mất ổn định của cả ngành công nghiệp và thị trường dầu mỏ.

Ông Novak nói thêm rằng, trước hết, những người tiêu dùng châu Âu và Mỹ, những người hiện đang trả giá cao cho năng lượng, sẽ phải gánh chịu biện pháp này.

Quan chức Nga lưu ý rằng các nhà sản xuất dầu của Nga đang chuẩn bị đối phó với lệnh cấm vận dầu mỏ sắp tới của EU, dự kiến có hiệu lực vào tháng 12 tới, song vẫn có kế hoạch duy trì mức sản lượng hiện tại.

Tuyên bố trên được ông Novak đưa ra sau khi Nhà Trắng thông báo nhóm G7, gồm Mỹ, Nhật, Đức, Anh, Pháp, Canada và Italia, sẽ thảo luận biện pháp áp trần với dầu mỏ Nga trong tuần này.

Theo Reuters, Bộ trưởng Tài chính Nhóm G7 sẽ thảo luận về đề xuất của chính quyền Tổng thổng Mỹ Joe Biden về áp giá trần dầu mỏ của Nga tại cuộc họp vào ngày 2/9.

Người phát ngôn của Nhà Trắng, ông Karine Jean-Pierre, cho rằng đó là cách hiệu quả nhất để làm giảm nguồn thu của Nga và việc làm như vậy sẽ không chỉ làm giảm nguồn thu từ dầu mỏ của nước này mà còn hạ nhiệt giá năng lượng toàn cầu.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết, dù xuất khẩu dầu mỏ của Nga giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 8/2021, nguồn thu từ xuất khẩu của nước này trong tháng 7 tăng 700 triệu USD so với tháng 6, nhờ giá tăng, cao hơn 40% so với mức trung bình của năm ngoái.

Lãnh đạo các nước phương Tây đã đề xuất biện pháp áp trần giá dầu để hạn chế mức mà các công ty lọc dầu và các nhà giao dịch phải trả khi mua dầu thô của Nga, một động thái mà Nga tuyên bố sẽ không tuân thủ và có thể vận chuyển dầu tới các nước không thực hiện trần giá.

Các nhà lãnh đạo G7 cũng cân nhắc các lựa chọn khác, bao gồm việc cấm vận chuyển dầu mỏ của Nga.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và tân Bộ trưởng Tài chính Anh Nadhim Zahawi hôm 31/8 đã thảo luận về kế hoạch áp giá trần với dầu mỏ của Nga.

Theo Bộ trưởng Yellen, xung đột đã khiến giá năng lượng ở mức cao trên toàn cầu, áp giá trần là một trong những công cụ hữu hiệu nhất để kiểm soát lạm phát, khi đảm bảo dòng chảy dầu mỏ vào thị trường toàn cầu ổn định ở mức giá thấp.

Trong khi đó, ông Zahawi bày tỏ tin tưởng các đồng minh phương Tây có thể thực thi biện pháp áp giá trần để giảm nguồn thu của Nga và duy trì sự ổn định của giá dầu. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Zahawi, biện pháp này chỉ thực hiện hiệu quả nếu có sự tham gia của Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Phi.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần