Moscow cảnh báo NATO không di chuyển các lực lượng hạt nhân gần biên giới Nga

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thứ trưởng Ngoại giao Nga tuyên bố Moscow sẽ hành động nếu NATO di chuyển các lực lượng hạt nhân đến gần khu vực biên giới của Nga.

Thứ trưởng Ngoại giao Alexander Grushko. Ảnh: Reuters
Thứ trưởng Ngoại giao Alexander Grushko. Ảnh: Reuters

Theo Reuters, các hãng thông tấn Nga hôm 14/5 dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Alexander Grushko cho biết Moscow sẽ thực hiện các biện pháp phòng ngừa thích hợp trong trường hợp Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) triển khai lực lượng hạt nhân và cơ sở hạ tầng quân đội sát biên giới của nước này.

"Chúng tôi sẽ có hành động đáp trả NATO bằng cách áp dụng các biện pháp răn đe" - hãng Interfax trích tuyên bố của Thứ trưởng Grushko.

Thứ trưởng Grushko nói thêm rằng Nga chưa bao giờ có ý định thù địch với Phần Lan và Thụy Điển, vì vậy Moscow không thấy lý do "thực sự" để hai quốc gia Bắc Âu gia nhập NATO.

Ông Grushko cũng nhắc lại tuyên bố trước đó của Điện Kremlin rằng phản ứng của Moscow về khả năng mở rộng của NATO sẽ phụ thuộc vào việc di chuyển các hạ tầng quân sự của liên minh này có sát biên giới Nga hay không.

Sau khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine, Phần Lan và Thụy Điển đã cân nhắc các biện pháp bảo đảm an ninh quốc gia, bao gồm cả ý định gia nhập NATO. Ngày 12/5, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto và Thủ tướng Sanna Marin cho biết, nước này sẽ “không trì hoãn” việc nộp đơn xin gia nhập NATO, đánh dấu bước chuyển đổi chính sách quan trọng của quốc gia vốn theo đường lối trung lập này.

Về phần mình, Nga cho rằng, việc Phần Lan trở thành thành viên của NATO sẽ gây ra mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Moscow và cảnh báo sẽ đáp trả. Dự kiến vào ngày 15/5 tới, Phần Lan và Thụy Điển sẽ đưa ra quyết định xem có nộp đơn gia nhập liên minh quân sự này không.

Trong một diễn biến liên quan, hãng tin AFP hôm 13/5 đưa tin Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố Ankara “không có quan điểm tích cực” về việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO.

Trong cuộc họp báo sau buổi cầu nguyện tại Istanbul ngày 13/5, khi được hỏi về khả năng Phần Lan và Thụy Điển nộp đơn gia nhập NATO vào cuối tuần, Tổng thống Erdogan cũng cáo buộc hai quốc gia Bắc Âu chứa chấp các tổ chức bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố.

Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần chỉ trích các quốc gia Bắc Âu, đặc biệt là Thụy Điển vì tiếp nhận các nhóm người Kurd bị Ankara coi là tổ chức cực đoan và những người ủng hộ giáo sĩ Fethullah Gulen. Thổ Nhĩ Kỳ đang truy nã ông Gulen, người đang sống tại Mỹ, với cáo buộc chủ mưu vụ đảo chính bất thành năm 2016.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhiều lần khẳng định liên minh sẽ "giang rộng tay chào đón" Thụy Điển và Phần Lan. Tuy nhiên, tuyên bố của Tổng thống Erdogan là phản ứng bất đồng đầu tiên trong NATO trước triển vọng Stockholm and Helsinki gia nhập liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu.

Khi một quốc gia nộp đơn xin gia nhập NATO, họ cần được 30 thành viên hiện tại chấp thuận gia hạn lời mời, sau đó tổ chức các cuộc đàm phán thành viên. Quyết định kết nạp thành viên mới cần được toàn bộ thành viên phê chuẩn.