Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Nga, quyết định này nhằm đáp trả một dự luật trừng phạt đối với Moscow được Canberra thông qua hồi đầu tháng này.
"Moscow thực hiện biện pháp trừng phạt “có đi có lại” đối với 39 cơ quan thuộc lĩnh vực quốc phòng và dịch vụ an ninh của Australia nhằm đáp trả quyết định trước đó của Canberra về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt theo đạo luật Magnitsky đối với Nga,” tuyên bố của Bộ Ngoại giao nêu rõ.
Trước đó, Thủ tướng Australia Anthony Albanese hôm 3/7 tuyên bố nước này sẽ tăng cường các biện pháp trừng phạt Nga, theo đó sẽ bổ sung áp đặt trừng phạt và cấm đi lại đối với 16 cá nhân gồm các bộ trưởng và nhà tài phiệt Nga, nâng tổng số công dân Nga bị Canberra áp đặt trừng phạt lên 843 người. Ngoài ra, Australia còn cấm nhập khẩu vàng từ Nga.
Phát biểu tại cuộc họp báo họp báo chung với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Kiev ngày 3/7, Thủ tướng Albanese cũng cho biết Australia sẽ tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine, trong đó có cả xe bọc thép và thiết bị bay không người lái.
Theo ông Albanese, Australia sẽ cung cấp cho Ukraine hỗ trợ quân sự trị giá 100 triệu đôla, nhưng không nêu rõ đôla Australia hay USD (100 triệu AUD tương đương 68 triệu USD).
Nga hiện đang đối mặt với một loạt các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine.
Ủy ban Đại diện thường trực EU ngày 20/7 đã thông qua gói trừng phạt thứ 7 của khối nhằm vào Nga, trong đó bao gồm lệnh cấm vận vàng. "Các lệnh trừng phạt mới bao gồm cấm nhập khẩu vàng, mở rộng danh sách đen, bổ sung lệnh trừng phạt tài chính, thương mại," nguồn tin tiết lộ.
Cụ thể, theo gói trừng phạt mới, EU sẽ cấm nhập khẩu vàng từ Nga dưới dạng bán thành phẩm và phế liệu. Bên cạnh đó, EU cũng bổ sung 48 cá nhân và tổ chức của Nga vào "danh sách đen" bị đóng băng tài sản và/hoặc cấm nhập cảnh. Trong đó, EU sẽ đóng băng tài sản của Sberbank, ngân hàng lớn nhất của Nga. Theo lãnh đạo EU, gói trừng phạt mới giúp việc thực thi các lệnh trừng phạt trước đó hiệu quả hơn và gia hạn các điều khoản đến tháng 1/2023.
Hồi tháng 6, EU đã thông báo ngừng nhập khẩu dầu mỏ Nga qua đường biển. Đây là một phần trong nỗ lực nhằm gây sức ép với Nga thông qua việc chặn nguồn thu quan trọng của nước này từ ngành năng lượng.