Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Moscow duy trì ổn định nguồn cung khí đốt cho Đức qua đường ống Yamal-Europe

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nguồn cung khí đốt của Nga sang Đức qua tuyến đường ống Yamal-Europe vẫn ổn định trong ngày 22/11, theo dữ liệu từ nhà điều hành mạng Gascade của Đức.

Nhà điều hành mạng Gascade cho biết, trong ngày 22/11, dòng chảy khí đốt từ Nga sang Đức qua hệ thống đường ống Yamal-Europe đạt mức hơn 12.387.586 kilowatt giờ (kWh) mỗi giờ, tương đương với khối lượng khí đốt được vận chuyển vào cuối tuần trước.
 Nga duy trì ổn định nguồn cung khí đốt cho Đức qua đường ống Yamal-Europe.
Hiện tại, Yamal-Europe là một trong những tuyến đường ống xuất khẩu khí đốt chính của Nga sang châu Âu.
Các nhà giao dịch đang theo dõi hoạt động vận chuyển khí đốt tại tuyến đường ống này sau khi giá khí đốt tại châu Âu biến động mạnh trong tuần qua do chịu tác động từ việc cơ quan quản lý năng lượng của Đức đình chỉ quá trình phê duyệt dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 (Nord Stream 2).
Giá khí đốt tự nhiên vốn đang cao tại châu Âu đã leo dốc gần 11% trong ngày 16/11 sau khi Đức xác nhận ngưng quá trình phê duyệt dự án này.
Cơ quan Quản lý năng lượng Đức (Bundesnetzagentur) hôm 16/11 cho biết Berlin không thể phê duyệt Dòng chảy Phương Bắc 2 như một nhà vận hành độc lập bởi công ty vận hành dự án này có trụ sở ở Thụy Sĩ thay vì Đức.
Tuyên bố của Bundesnetzagentur nêu rõ: "Sau khi kiểm tra kỹ lưỡng các tài liệu, cơ quan quản lý kết luận rằng chỉ có thể chứng nhận nhà điều hành của Dòng chảy Phương Bắc 2 nếu đơn vị đó được tổ chức theo hình thức tuân thủ theo pháp luật Đức”.
Nhà phân tích Trevor Sikorski tại Energy Aspects nhận định: “Việc Đức tạm ngừng quá trình cấp phép khiến việc vận hành Nord Stream 2 sẽ bị trì hoãn thêm nhiều tháng. Tôi cho rằng tuyến đường ống này khó có thể được đưa vào hoạt động trong nửa đầu năm 2022”.
Quyết định của Đức cũng diễn ra ở thời điểm căng thẳng gia tăng giữa Liên minh châu Âu (EU) và Nga về vấn đề Ukraine và cuộc khủng hoảng người di cư ở biên giới Belarus-Balan.
Mùa đông lạnh giá 2020-2021 đã làm gia tăng nhu cầu và thắt chặt dự trữ khí đốt. Giá khí đốt tại châu Âu đã tăng vọt lên mức cao kỷ lục 150 euro/MWh vào tháng 10 vừa qua và hiện giao dịch ở mức 90,4 Euro/MWh.
Các nhà kinh doanh năng lượng hàng đầu cảnh báo về nguy cơ mất điện tại châu Âu trong trường hợp mùa Đông năm nay lạnh hơn mức trung bình.
Khoảng 40% khí đốt tự nhiên của EU nhập khẩu từ Nga. Dòng chảy Phương Bắc 2 đi qua Ukraine và kết nối trực tiếp Nga với Đức, được hoàn thành vào tháng 9 bất chấp sự phản đối của các quốc gia trong đó có Mỹ.