Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Moscow không kỳ vọng vào đàm phán an ninh Nga-Mỹ tại Geneva

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nga nói rằng không lạc quan về cuộc đàm phán sắp diễn ra với Mỹ, đồng thời tuyên bố sẽ không nhượng bộ trước áp lực từ Washington.

Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov. Ảnh: Tass
Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov. Ảnh: Tass

Các cuộc hội đàm liên quan đến vấn đề Ukrarin theo kế hoạch sẽ diễn ra trong tuần này tại Geneva, Brussels và Vienna, nhưng hãng thông tấn nhà nước Nga RIA hôm 9/1 dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov cho biết đàm phán hoàn toàn có thể kết thúc chỉ sau một cuộc họp. "Tôi không thể loại trừ bất cứ điều gì, đây là một kịch bản hoàn toàn có thể xảy ra và người Mỹ không nên quá ảo tưởng", Thứ trưởng Ryabkov nói.

Ông Ryabkov cũng khẳng định Moscow sẽ không nhượng bộ trước áp lực và những lời đe dọa liên tục từ những người ở phương Tây sẽ tham gia các cuộc hội đàm sắp tới.

Hãng thông tấn Interfax dẫn lời Thứ trưởng Ryabkov, người sẽ dẫn đầu phái đoàn Nga dự đàm phán an ninh với Mỹ tại Geneva (Thụy Sĩ) vào ngày 10/1 nói thêm rằng Moscow không lạc quan trước khi bước vào đàm phán.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Tass hôm 9/1 trước thềm đàm phán Nga-Mỹ, Thứ trưởng Ryabkov lưu ý rằng phương Tây nên đơn phương từ bỏ việc mở rộng NATO và dỡ bỏ tất cả cơ sở hạ tầng quân sự.

Tuyên bố trên của Thứ trưởng Ryabkov cho thấy một lập trường không khoan nhượng từ Moscow ở vào thời điểm căng thẳng nhất trong quan hệ Nga-Mỹ kể từ Chiến tranh Lạnh.

Trong một diễn biến liên quan, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm 9/1 cho biết, Moscow không ngạc nhiên trước những lời đe dọa mới nhất từ Mỹ, liên quan đến các biện pháp trừng phạt mới, đồng thời nhấn mạnh rằng phía Nga biết cách phản ứng với những bước đi như vậy.

Trả lời phỏng vấn trên truyền hình, người phát ngôn Zakharova nói rằng những lời đe dọa mới nhất là một biện pháp cổ điển mà Mỹ đang cố gắng theo nhiều cách khác nhau để phá vỡ tinh thần của phía Nga.

Trước đó, hãng tin Bloomberg đưa tin, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang xem xét khả năng áp đặt các hạn chế đối với việc cung cấp sản phẩm công nghệ cao và vi điện tử cho Nga, trong trường hợp tình hình xung quanh Ukraine leo thang.

Căng thẳng giữa Nga và phương Tây gần đây leo thang sau khi Mỹ, NATO cáo buộc Nga điều khoảng 70.000-100.000 quân tới sát biên giới với Ukraine, bày tỏ lo ngại nước này có thể phát động một cuộc chiến tổng lực.

Nga bác bỏ cáo buộc và tuyên bố chúng "vô căn cứ", khẳng định mọi động thái quân sự ở biên giới phía tây hoàn toàn vì mục đích phòng thủ.

Theo kế hoạch, đại diện Nga và Mỹ  dự kiến gặp nhau tại Geneva, Thụy Sĩ, ngày 10/1. Sau cuộc gặp với Mỹ, phía Nga sẽ gặp gỡ tất cả 30 thành viên NATO ngày 12/1. Đây là lần đầu tiên cuộc gặp như vậy được tổ chức kể từ tháng 7/2019.