Moscow không từ bỏ đàm phán hòa bình với Kiev sau căng thẳng tại Bucha

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hôm 7/4 cho biết, Moscow sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán với Kiev, “bất chấp những hành động khiêu khích”.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Ảnh: Tass
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Ảnh: Tass

"Bất chấp những hành động khiêu khích, phái đoàn Nga sẽ tiếp tục quá trình đàm phán, thúc đẩy để dự thảo thỏa thuận của chúng tôi giải thích rõ ràng và đầy đủ các quan điểm cũng như yêu cầu quan trọng mà chúng tôi đưa ra ngay từ đầu," hãng tin Tass dẫn tuyên bố Ngoại trưởng Lavrov.

Theo Ngoại trưởng Lavrov, phía Ukraine hôm 6/4 đã trình bày một bản dự thảo thỏa thuận, từ bỏ các điều khoản được ghi tại cuộc đàm phán trực tiếp ở Istanbul vào ngày 29/3. Ông Lavrov cáo buộc chính quyền Kiev có kế hoạch kéo dài thời gian, thậm chí phá hoại đàm phán khi không thể đi đến thỏa thuận.

Bộ trưởng Lavrov nói rằng những điều khoản trong thỏa thuận dự thảo mà Ukraine gửi tới đoàn đàm phán Nga xa rời những gì nước này từng vạch ra tại vòng đàm phán Nga-Ukraine ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ cuối tháng 3 vừa qua.

"Hôm qua, phía Ukraine đã gửi các thỏa thuận dự thảo mới tới đoàn đàm phán của chúng tôi, nhưng dự thảo này cho thấy sự xa rời rõ ràng so với những điều khoản chủ chốt mà Kiev vạch ra trong cuộc gặp ở Istanbul ngày 29/3. Những điều khoản này thậm chí từng được ấn định trong tài liệu do trưởng đoàn đàm phán Nga, ông David Arakhamia ký kết," Ngoại trưởng Lavrov nhận định trong bài phát biểu qua video ngày 7/4.

Ngoại trưởng Nga cũng nhắc lại dự thảo thỏa thuận ở Istanbul mà theo đó, phía Ukraine đã nhất trí rằng những đảm bảo an ninh trong tương lai cho Ukraine sẽ không áp dụng với Crimea và Sevastopol.

Tuy nhiên, theo ông Lavrov, "dự thảo được gửi đi ngày hôm qua không bao gồm tuyên bố rõ ràng này. Thay vào đó, nó chỉ đưa ra những nhận định mơ hồ về một kiểu "kiểm soát hiệu quả như ngày 23/2", thời điểm trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt.

Ngoài ra, ông Lavrov cho biết phía Ukraine đã đưa ra yêu cầu rằng vấn đề Crimea và Donbass sẽ được thảo luận tại cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Ukraine.

Ngoại trưởng Nga cũng nhắc lại rằng Nga đã phản ứng trước lập trường thực tế hơn của Ukraine sau cuộc gặp tại Istanbul bằng cách giảm đáng kể hoạt động quân sự tại  thủ đô Kiev và TP Chernigov để thể hiện thiện chí trong nỗ lực thúc đẩy đàm phán. "Tuy nhiên, đổi lại, những gì chúng tôi nhận được là cáo buộc ở Bucha, sự kiện được phương Tây sử dụng ngay lập tức để thông báo lệnh trừng phạt mới," ông Lavrov bình luận.

Theo Ngoại trưởng Nga, văn kiện mà Arakhamia ký tại Istanbul nói rằng Ukraine sẽ chỉ có thể tổ chức các cuộc tập trận quân sự có sự tham gia của các bên nước ngoài khi có sự đồng ý của tất cả các nước bảo lãnh, bao gồm cả Nga. "Tuy nhiên, dự thảo tài liệu được trình bày hôm qua không có điều khoản rõ ràng này và nói về khả năng tổ chức các cuộc tập trận với sự đồng ý của đa số các nước bảo lãnh, mà không đề cập đến Nga," ông Lavrov giải thích.

Trước đó, sau vòng đàm phán hôm 29/3, trưởng phái đoàn Nga Vladimir Medinsky nói Kiev đã trình bày các đề xuất bằng văn bản về một thỏa thuận giữa các bên. Ông Medinsky tuyên bố rằng Moscow sẽ xem xét các đề xuất và đưa ra ý kiến ​​của riêng mình, trong khi đó quân đội Nga sẽ giảm các hoạt động ở Kiev và Chernigov.

Nga cũng đề xuất một cuộc gặp giữa Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Vladimir Zelensky, trong đó hai bên có thể ký kết hiệp ước hòa bình.

Trong một diễn biến liên quan, Liên minh châu Âu (EU) ngày 7/4 cho biết họ đã thông qua lệnh cấm vận đối với than đá nhập từ Nga, cũng như đóng cửa các cảng biển của khối đối với tàu của Nga. Đây là lần đầu tiên châu Âu nhắm mục tiêu trừng phạt vào ngành năng lượng của Nga, lĩnh vực mà họ đang phụ thuộc nhiều vào Moscow.

Các biện pháp trừng phạt mới đã được Ủy ban châu Âu đề xuất sau khi thi thể của hàng chục thường dân được tìm thấy vào cuối tuần trước ở thị trấn Bucha, gần thủ đô Kiev. Phương Tây cáo buộc Nga đã thực hiện hành động "thảm sát dân thường", tuy nhiên Moscow bác bỏ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần