Moscow lên tiếng về thông tin Phương Tây “lách luật” để mua dầu mỏ Nga

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ trưởng Năng lượng Nga Nikolay Shulginov xác nhận việc các nước phương Tây tìm phương thức “lách luật” để nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga là thông tin chính xác.

Bộ trưởng Năng lượng Nga Nikolay Shulginov. Ảnh: Tass
Bộ trưởng Năng lượng Nga Nikolay Shulginov. Ảnh: Tass

Trong bài trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Russia 1 ngày 28/5, Bộ trưởng Năng lượng Nga Nikolay Shulginov cho biết, các quốc gia phương Tây không ngừng mua năng lượng của Nga bất chấp các lệnh trừng phạt mạnh chưa từng có mà Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang áp đặt với Moscow.

Theo ông Shulginov, các quốc gia này chuyển sang các phương án đi đường vòng để mua hàng nhập khẩu của Nga.

Khi được hỏi liệu các nước phương Tây có còn mua dầu và khí đốt của Nga thông qua các tuyến thay thế hay không, Bộ trưởng Shulginov khẳng định thông tin này là “chính xác”. Tuy nhiên, ông không nói rõ tuyến đường cụ thể nào được sử dụng để cung cấp năng lượng của Nga cho khách hàng phương Tây.

Trước đó, hồi tháng 12 năm ngoái, EU, nhóm G7 và các đồng minh đã siết hoạt động xuất khẩu dầu bằng đường biển của Nga khi áp đặt mức giá trần là 60 USD/thùng. Bên cạnh đó, lệnh cấm vận khác đối với phần lớn hoạt động nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ của Nga, cũng như áp giá trần với dầu diesel và các sản phẩm dầu mỏ khác, có hiệu lực vào ngày 5/2 vừa qua.

Dù xuất khẩu khí đốt của Nga qua đường ống không đối mặt với các biện pháp hạn chế, nhưng xuất khẩu khí đốt của Nga sang các nước EU đã giảm mạnh sau vụ phá hoại đường ống Nord Stream 1 và 2 vào tháng 9/2022.  

Theo tờ Politico của Mỹ, tính đến giữa tháng 5, EU vẫn chưa đạt được sự đồng thuận về việc có nên trừng phạt khí đốt Nga xuất khẩu qua đường ống hay không.

Tờ Bloomberg hồi tháng 3 vừa qua đưa tin, một số quốc gia EU đã tích cực mua khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) của Nga, trong đó Tây Ban Nha đứng đầu danh sách khách hàng trong đầu năm 2023. Nhập khẩu LNG của Nga vào Tây Ban Nha tăng 84% kể từ khi bắt đầu xung đột Ukraine.

Pháp cũng nổi lên như một nhà nhập khẩu LNG lớn của Nga khi mua 1,9 triệu tấn nhiên liệu trong năm ngoái.

Tây Ban Nha cũng là nhà nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch lớn nhất của Nga trong 3 tháng đầu năm nay, tiếp sau là Bỉ và Bulgaria.

Trong bối cảnh phương Tây trừng phạt, Nga đã chuyển hướng xuất khẩu dầu sang các khu vực khác trên thế giới, đặc biệt là châu Á và Mỹ Latinh.

Hiện EU đang thảo luận về gói trừng phạt thứ 11 đối với Nga kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Trong một bước đi chưa từng có tiền lệ, vào đầu tháng này, EU đề nghị cấm các tàu đã vi phạm lệnh trừng phạt dầu mỏ của Nga đi vào các cảng và tuyến đường thủy của EU trong khuôn khổ gói trừng phạt mới.

Tuy nhiên, tờ Politico cho biết, gói trừng phạt thứ 11 của EU đối với Nga đã bị Hungary và Hy Lạp chặn lại vì 2 nước này muốn các công ty của họ được xóa khỏi một “danh sách đen” do Ukraine lập.

Hai vòng đàm phán tại Brussels trong tuần qua đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào, trang Politico đưa tin hôm 27/5, trích dẫn nhiều nguồn tin ngoại giao ẩn danh.

Trong bối cảnh phương Tây trừng phạt, Nga đã chuyển hướng xuất khẩu dầu sang các khu vực khác trên thế giới, đặc biệt là châu Á và Mỹ Latinh. Ảnh: RT
Trong bối cảnh phương Tây trừng phạt, Nga đã chuyển hướng xuất khẩu dầu sang các khu vực khác trên thế giới, đặc biệt là châu Á và Mỹ Latinh. Ảnh: RT

Danh sách “nhà tài trợ chiến tranh quốc tế”, do Cơ quan Phòng chống Tham nhũng Quốc gia Ukraine (NACP) lập và quản lý, nhắm vào các công ty nước ngoài vẫn đang kinh doanh ở Nga, trong đó có nhiều cá nhân và công ty có liên kết với EU.

Hungary là nước thành viên EU duy nhất lên tiếng phản đối gói trừng phạt thứ 11 tại cuộc họp của các ngoại trưởng EU hôm 22/5, bày tỏ lo ngại rằng các cáo buộc của Kiev đối với OTP - ngân hàng thương mại lớn nhất Hungary - có thể bị hợp thức hóa với vòng trừng phạt tiếp theo của khối.

Sau đó, ngày 24/5, Hy Lạp được được cho là đã đứng chung chiến tuyến với Hungary khi cho rằng các cáo buộc trốn tránh lệnh trừng phạt có thể “rất gây tổn hại” cho nền kinh tế của nước này.

“Hy Lạp nhắc lại rằng, nếu có bằng chứng cụ thể về việc vi phạm các biện pháp trừng phạt, những điều này cần được báo lại cho các quốc gia thành viên liên quan, ở cấp độ kỹ thuật, để điều này được điều tra đầy đủ và sau đó sẽ có hành động thích đáng,” một nhà ngoại giao EU quen thuộc với vấn đề nói với Politico.

Theo Politico, “danh sách đen” nói trên của Ukraine và vòng trừng phạt tiếp theo của EU không liên quan đến nhau, và Athens và Budapest chỉ đơn giản là đang trì hoãn các cuộc đàm phán nhằm đạt được đòn bẩy chính trị để đưa các công ty của họ ra khỏi danh sách của Ukraine.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần