Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Moscow phản ứng khi IAEA thông qua nghị quyết về cơ sở hạt nhân ở Ukraine

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại diện ngoại giao Nga tại Vienna (Áo) vừa lên tiếng phản đối việc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) thông qua nghị quyết về Nga liên quan đến tình hình chiến sự tại Ukraine.

Theo hãng tin Tass, Đại diện thường trực Nga tại Vienna nói rằng nghị quyết vừa được IAEA thông qua về các hành động của Nga tại các cơ sở hạt nhân ở Ukraine được soạn thảo một cách không chuyên nghiệp, theo nội dung đăng trên trang Twitter của phái đoàn Nga tại Vienna.

Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhya tại Ukraine. Ảnh: DW
Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhya tại Ukraine. Ảnh: DW

"Tại cuộc họp hôm nay, Hội đồng thống đốc IAEA đã thông qua một nghị quyết được soạn thảo thiếu chuyên nghiệp, vượt quá thẩm quyền của cơ quan này và có những sai sót về vấn đề an ninh hạt nhân tại cơ sở hạt nhân ở Ukraine” - phái đoàn Nga tại Vienna nhấn mạnh.

Phái đoàn Nga cũng lưu ý rằng nhiều nước đã từ chối ủng hộ nghị quyết này. "Nga và Trung Quốc đã bỏ phiếu chống. Ấn Độ, Kenya, Namibia, Pakistan, Ả Rập Saudi, Nam Phi và Việt Nam bỏ phiếu trắng" - phái đoàn Nga nêu rõ.

Trước đó cùng ngày, Reuters đưa tin, theo trang web chính thức, Hội đồng Thống đốc IAEA đã thông qua một nghị quyết hôm 17/11 tuyên bố rằng không có dấu vết của “bom bẩn” ở Ukraine.

Theo nghị quyết trên, IAEA "không tìm thấy dấu hiệu nào về các hoạt động hạt nhân không được khai báo hoặc vật liệu liên quan đến việc phát triển các thiết bị phát tán phóng xạ (bom bẩn) tại ba địa điểm ở Ukraine".

Hội đồng Thống đốc IAEA cũng ghi trong nghị quyết rằng họ kêu gọi Nga ngay lập tức "chấm dứt mọi hành động nhắm vào các cơ sở hạt nhân ở Ukraine".

Tài liệu cũng bày tỏ lo ngại về "áp lực không thể chấp nhận được đối với việc giữ các nhân viên điều hành người Ukraine tại Nhà máy điện hạt nhân" và "sự gián đoạn liên tục của nguồn cung cấp điện bên ngoài sau các cuộc pháo kích ở khu vực xung quanh".

Trước đó, hồi tháng 9 vừa qua, Hội đồng Thống đốc IAEA thông qua một nghị quyết tại phiên họp kín kêu gọi Nga rút lực lượng khỏi nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhya. Vào thời điểm đó, nghị quyết được 26 quốc gia ủng hộ, trong khi 7 quốc gia bỏ phiếu trắng.