Theo RT, Nghị viện châu Âu hôm 23/11 đã thông qua một nghị quyết không ràng buộc coi Nga là “nhà nước tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố”.
Trong một phản ứng mạnh mẽ trước động thái mới nhất của Liên minh châu Âu (EU), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng EU nên được coi là “nhà tài trợ cho sự ngu ngốc”.
Cơ quan lập pháp của EU đã thông qua nghị quyết nói trên trong một cuộc bỏ phiếu diễn ra ở Strasbourg với số phiếu ủng hộ rất cao. Nghị quyết nhận được lá phiếu ủng hộ từ 494 nghị sĩ, 58 phiếu chống và 44 phiếu trắng. Nghị quyết đã hợp nhất các dự thảo do ba phe khác nhau của Nghị viện châu Âu chấp bút.
Nghị viện châu Âu khẳng định họ "coi Nga là nhà nước tài trợ khủng bố và là quốc gia sử dụng các phương thức của chủ nghĩa khủng bố".
Việc gán Nga là “nhà nước tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố” là bước đi thể hiện sự lên án mới nhất của EU đối với chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine. Một số quốc gia gồm Estonia, Latvia, Litva, Ba Lan và Cộng hòa Séc trước đây đã thông qua các nghị quyết tương tự ở cấp quốc gia.
Động thái của Nghị viện châu Âu chủ yếu mang tính biểu tượng, song nghị quyết này cũng kêu gọi các quốc gia thành viên xây dựng một khung pháp lý mới, cho phép đưa vào danh sách đen không chỉ các cá nhân hay tổ chức mà là toàn bộ các quốc gia.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ca ngợi quyết định mới nhất của EU, đồng thời tuyên bố rằng Nga phải “bị cô lập ở mọi cấp độ và phải bị bắt chịu trách nhiệm nhằm hướng tới mục tiêu chấm dứt chính sách khủng bố lâu đời của mình ở Ukraine và trên toàn cầu.”
Trong khi đó, Moscow cáo buộc các nước phương Tây đã vượt qua lằn ranh đỏ của Nga khi mở rộng NATO một cách không chính thức bằng việc “bành trướng” sang Ukraine.
Giới chức Nga tuyên bố, Ukraine đang được sử dụng cho một cuộc chiến tranh ủy nhiệm chống lại Moscow, và miễn là nước này chừng nào còn thực hiện cuộc chiến tranh đó thì Mỹ cũng như các nước đồng minh sẵn sàng “nhắm mắt làm ngơ” trước bất kỳ tội ác nào của Ukraine.
Theo các nhà điều tra Nga, chính phủ Ukraine phải chịu trách nhiệm về một số vụ tấn công khủng bố trên đất Nga, bao gồm vụ ám sát nhà báo Darya Dugina hồi tháng 8 và vụ đánh bom xe tải trên cầu Crimea vào tháng 10. Truyền thông phương Tây đưa tin rằng Washington cũng nghi ngờ có sự dính líu của Kiev và được cho là đã “răn đe” Tổng thống Zelensky về cả hai cuộc tấn công đó.
EU đã áp 8 lệnh trừng phạt đối với Nga liên quan đến chiến dịch quân sự tại Ukraine, nhằm vào các mặt hàng xuất khẩu quan trọng cũng như các quan chức cấp cao nước này.