Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Moscow tiếp tục cảnh báo EU hậu quả nếu áp trần khí đốt Nga

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Điện Kremlin nói rằng nhiều nước đang phải đối mặt với hậu quả của những quyết định vội vàng và công dân những nước này sẽ phải trả giá cho việc chính phủ đồng ý áp giá trần khí đốt Nga.

Điện Kremlin cảnh báo các nước EU hậu quả nếu áp giá trần khí đốt Nga. Ảnh: RT
Điện Kremlin cảnh báo các nước EU hậu quả nếu áp giá trần khí đốt Nga. Ảnh: RT

Theo hãng tin Tass, trả lời phỏng vấn đài Rossiya hôm 16/10, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo rằng người dân ở các quốc gia chuẩn bị áp giá trần khí đốt Nga sẽ phải chịu tác động tiêu cực vì quyết định của các nhà lãnh đạo.

Quan chức Điện Kremlin nhấn mạnh: “Nhiều nước đang phải đối mặt với hậu quả của những quyết định vội vàng của họ. Công dân những nước này sẽ phải trả giá cho việc chính phủ ủng hộ áp giá trần”.

Cùng ngày, Giám đốc điều hành tập đoàn năng lượng Nga Gazprom, ông Alexey Miller, cho biết việc áp giá trần khí đốt của Nga ở châu Âu sẽ khiến việc cung cấp phải ngừng lại.

Nói với đài truyền hình Nga Rossiya 1 ngày 16/10, ông Miller lưu ý thêm hoạt động của Gazprom tuân theo các hợp đồng đã được ký kết. “Tất nhiên, quyết định đơn ohuwkwng áp giá trần khí đốt Nga của châu Âu như vậy là vi phạm các điều khoản thiết yếu của hợp đồng. Điều này chắc chắn sẽ dẫn đến việc chấm dứt nguồn cung cấp khí đốt” - lãnh đạo Gazprom nói

Cuộc xung đột ở Ukraine đã khiến các khách hàng trong Liên minh châu Âu (EU) giảm mua năng lượng của Mosscow trong khi Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và EU đang tìm cách áp giá trần đối với dầu và khí đốt của Nga.

Trong nhiều tuần qua, EU đã thảo luận về các phương án áp giá trần khí đốt,  gồm giới hạn giá đối với tất cả khí đốt, áp giá trần đối với khí đốt được sử dụng cho sản xuất điện, áp giá trần đối với khí đốt của Nga.

Ngoài ra, hôm 25/9 vừa qua, các bộ trưởng năng lượng của 15 quốc gia EU đã gửi một kháng nghị chung lên Ủy ban châu Âu. Trong đó họ ủng hộ việc đưa ra giới hạn giá đối với tất cả khí đốt nhập khẩu vào EU, bất kể xuất xứ của chúng, để hạn chế tăng giá năng lượng. Tuy nhiên, Đức, Đan Mạch và Hà Lan phản đối sáng kiến ​​này vì cho rằng nó sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu.

Tại Hội nghị thượng đỉnh không chính thức của EU hôm 7/10 ở Cộng hòa Czech, lãnh đạo 27 nước thành viên đã không thể thống nhất quan điểm về phương án áp giá trần đối với khí đốt, vốn được coi là một trong những giải pháp cho cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay.

Phần lớn các nước thành viên muốn áp biện pháp giới hạn giá khí đốt, nhưng chưa nhất trí về các bước thực hiện cụ thể, như việc áp đặt giá trần với tất cả khí đốt nhập khẩu hoặc chỉ với khí đốt của Nga, hay chỉ áp đặt với khí đốt phục vụ sản xuất điện.

Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã áp đặt biện pháp giới hạn giá khí đốt được sử dụng trong sản xuất điện từ tháng 6, điều này giúp kiềm chế giá điện trong nước.

Trong khi đó, Đức và Hà Lan cảnh báo biện pháp áp giá trần khí đốt đối với tất cả các nhà xuất khẩu năng lượng có thể khiến nguồn cung khí đốt tại châu Âu càng trở nên khan hiếm hơn. Hai nước này ủng hộ một mức giá khí đốt chuẩn thay thế, giải pháp mua khí đốt chung và tiết kiệm năng lượng.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo EU cũng kỳ vọng những đề xuất cụ thể sẽ được đưa ra trước Hội nghị thượng đỉnh chính thức của khối từ ngày 20-21/10. Theo kế hoạch, đại diện ngoại giao các nước EU sẽ tổ chức một cuộc họp bất thường tại Luxembourg vào cuối ngày thứ Hai để thảo luận về đề xuất áp giá trần khí đốt.