Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Moscow và Kiev cùng lên tiếng về hội nghị hòa bình Ukraine ở Ả Rập Saudi

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ukraine đánh giá cuộc đàm phán hòa bình ở Jeddah (Ả Rập Saudi) đạt hiệu quả, song Moscow gọi cuộc gặp là nỗ lực của Kiev nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nước ở nam bán cầu đối với Ukraine.

Đại diện 40 nước dự Hội nghị hòa bình Ukraine, diễn ra tại thành phố Jeddah của Ả Rập Saudi. Ảnh: Reuters
Đại diện 40 nước dự Hội nghị hòa bình Ukraine, diễn ra tại thành phố Jeddah của Ả Rập Saudi. Ảnh: Reuters

Moscow và Kiev đưa ra những phản ứng khác nhau về hội nghị hòa bình Ukraine, diễn ra từ ngày 5-6/8 tại thành phố Jeddah của Ả Rập Saudi.

Đúng như dự đoán của giới quan sát, sau 2 ngày làm việc, hội nghị hòa bình Ukraine đã kết thúc tại thành phố Jeddah mà không có tuyên bố chung. 

Cuộc đối thoại này có sự tham gia của khoảng 40 quốc gia. Đáng chú ý, ngoài Trung Quốc còn có Brazil, Ấn Độ, Nam Phi, Indonesia, Mexico, Zambia, Ai Cập, Anh, Ba Lan và Liên minh châu Âu nhưng không có Nga.

Trong phản ứng mới nhất về sự kiện trên, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov tuyên bố Moscow sẽ tiến hành tham vấn với các quốc gia đối tác trong nhóm BRICS (gồm Brazil, Nga, Indonesia, Trung Quốc và Nam Phi) về diễn biến và kết quả hội nghị.

 Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov. Ảnh: Tass
 Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov. Ảnh: Tass

Moscow tái khẳng định quan điểm hoan nghênh mọi nỗ lực quốc tế nhằm thúc đẩy đối thoại chính trị và ngoại giao để giải quyết cuộc khủng hoảng.

Trong khi đó, quan chức cấp cao của Ukraine cho biết, các cuộc đàm phán ở Ả Rập Saudi nhằm đạt được tiến bộ hướng tới một giải pháp hòa bình cho xung đột với Nga đã mang lại hiệu quả.

"Chúng tôi đã có những cuộc tham vấn rất hiệu quả về các nguyên tắc chính để xây dựng một nền hòa bình công bằng và lâu dài" Reuters dẫn tuyên bố của ông Andriy Yermak, Chánh văn phòng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Kiev nói rằng kế hoạch hòa bình gồm 10 điểm mà nước này mang đến hội nghị đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các nước tham gia.

Ukraine và các đồng minh phương Tây gọi các cuộc đàm phán là một nỗ lực nhằm đảm bảo sự ủng hộ rộng rãi của quốc tế đối với các nguyên tắc mà Kiev muốn làm nền tảng cho hòa bình, bao gồm cả việc rút toàn bộ quân đội Nga và trả lại toàn bộ lãnh thổ Ukraine cho Kiev kiểm soát.

Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết ông muốn một hội nghị thượng đỉnh toàn cầu diễn ra dựa trên những nguyên tắc đó vào cuối năm nay.

Theo Bộ Truyền thông Ả Rập Saudi, những nước dự hội nghị đã đồng ý về tầm quan trọng của việc tiếp tục tham vấn để mở đường cho hòa bình, cũng như lên kế hoạch thành lập nhóm làm việc để giải quyết các vấn đề cụ thể do hậu quả xung đột.

Bình luận về cuộc tham vấn tại Jeddah, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock thừa nhận rằng quan điểm của Nam Phi, Brazil và Trung Quốc về những diễn biến ở Ukraine khác với quan điểm của châu Âu.

Chưa thấy triển vọng đàm phán Nga - Ukraine

Ngay từ khi hội nghị chưa diễn ra, giới quan sát không kỳ vọng cao rằng sẽ có đột phá ngoại giao.

Theo giáo sư Javed Ali tại ĐH Michigan (Mỹ) và là cựu giám đốc cấp cao về chống khủng bố tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, việc Nga không tham gia hội nghị là “hạn chế nghiêm trọng”.

Chuyên gia Ayham Kamel về Trung Đông và Bắc Phi tại Công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group (Mỹ) nhận định hội nghị sẽ không đưa tới các cuộc đàm phán hòa bình có khả năng chấm dứt cuộc chiến “trong tương lai gần”.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Kamel, hội nghị lần này “xây dựng một nền tảng cho sự tham gia mang tính xây dựng hơn giữa phương Tây và các nước đang phát triển ở Nam bán cầu”.

Giới phân tích cũng cho rằng việc Ả Rập Saudi đăng cai hội nghị quốc tế về Ukraine cần được hoan nghênh giữa lúc gia tăng lo ngại về khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân tại chiến trường Ukraine.

Bên cạnh đó, các chuyên gia nhận định việc Trung Quốc tham gia đối thoại hoà bình tại Ả Rập Saudi nhằm tìm cách chấm dứt xung đột Nga - Ukraine báo hiệu những thay đổi trong cách tiếp cận của Bắc Kinh.

Ông Yun Sun, giám đốc chương trình Trung Quốc tại tổ chức nghiên cứu Stimson (Mỹ) cho rằng sự tham dự của ông Lý Huy, đặc phái viên về các vấn đề châu Âu, thể hiện quyết tâm của Trung Quốc trong việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho xung đột Nga - Ukraine.

“Trung Quốc đang nỗ lực tìm giải pháp hòa bình cho Ukraine, mặc dù họ tin rằng sáng kiến hòa bình do Bắc Kinh đề xuất khó có thể được phương Tây chấp nhận vào thời điểm này” – ông Yun Sun cho hay.

Đây là cách tiếp cận khác của Bắc Kinh về vấn đề tìm giải pháp nhằm chấm dứt cuộc xung đội Moscow – Kiev đã kéo dài 529 ngày. Thực tế, Trung Quốc đã không tham dự đối thoại hoà bình Ukraine được tổ chức tại Copenhagen - Đan Mạch hồi cuối tháng 6 vừa qua. Quốc gia thuộc thành viên NATO này có mời nhưng Trung Quốc không dự.

Một nguồn tin của EU cho biết Trung Quốc “đã tham gia tích cực và ủng hộ ý tưởng tổ chức cuộc họp cấp cao mới về hòa bình Ukraine trong tương lai.

Trung Quốc cho tới nay vẫn không lên án Nga về cuộc xung đột với Ukraine và họ đã đề xuất kế hoạch hoà bình 12 điểm. Họ cũng chỉ trích phương Tây không ngừng bơm vũ khí cho Ukraine khiến cuộc xung đột kéo dài.