Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Một thành viên EU ngăn cản khối thông qua gói trừng phạt Nga mới

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Brussels đã thực hiện 11 gói trừng phạt đối với Nga. Tuy nhiên, các quan chức EU và Mỹ nhiều lần thừa nhận rằng tác động của chúng chưa thực sự hiệu quả.

Các cuộc thảo luận về gói trừng phạt chống lại Nga lần thứ 12 của EU đã bị đình trệ do sự phản đối từ Hungary - Rikard Jozwiak, một nhà báo của kênh RFE/RL (Radio Free Europe/Radio Liberty) cho biết vào hôm thứ Sáu.

Hiện câu hỏi được đặt ra là liệu có đạt được thỏa thuận về lệnh trừng phạt trước thời hạn Giáng sinh hay không.

Nỗ lực trừng phạt mới của EU đối với Nga đang bị trì hoãn bởi Hungary. Ảnh: RT
Nỗ lực trừng phạt mới của EU đối với Nga đang bị trì hoãn bởi Hungary. Ảnh: RT

“Đây là cuộc thảo luận kém hiệu quả nhất từ trước đến nay của EU liên quan đến các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Có rất nhiều ý kiến trái chiều về việc châu Âu sẽ giành toàn lực cho đợt trừng phạt này” – Jozwiak cho biết.

Theo The Guardian, gói trừng phạt mới nhất của EU bao gồm các hạn chế đối với hàng loạt cá nhân, trong đó có con trai của Cựu tổng thống Nga và phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga đương nhiệm, Dmitry Medvedev và một người họ hàng của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Lệnh trừng phạt cũng bao gồm các biện pháp cắt đứt khả năng tiếp cận nguồn thu thương mại của Moscow, như lệnh cấm hoàn toàn việc bán kim cương, đồ trang sức của Nga được làm bằng đá quý từ các mỏ tại Siberia. Lệnh cấm này có thể khiến Nga thiệt hại hơn 4,5 tỷ euro (tương đương 4,91 tỷ USD)/năm.

Theo Cơ quan Đối ngoại châu Âu (EEAS), EU cũng đề xuất thêm các biện pháp nhằm thắt chặt trần giá dầu và chống lại việc Moscow lách lệnh trừng phạt của khối.

Bình luận về chính sách trừng phạt của EU, vào ngày 15/11, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết Moscow đã thích nghi với các biện pháp trừng phạt trong nhiều năm và sẽ tiếp tục duy trì điều này. Bà nói rằng các đòn trừng phạt của EU đối với Nga sẽ khiến chính khu vực này chịu thiệt hại.

Bà lưu ý rằng tiềm năng tăng trưởng kinh tế của EU đã hoàn toàn cạn kiệt và phần lớn các thành viên của khối đang gánh chịu tình trạng thiếu hụt ngân sách trầm trọng cũng như nợ công vượt quá mức chi trả.

Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine, Brussels đã thực hiện 11 gói trừng phạt đối với nước này. Số lượng các hạn chế đã lên đến hàng chục nghìn bất chấp việc các quan chức EU và Mỹ nhiều lần thừa nhận rằng tác động của chúng chưa thực sự hiệu quả. Những biện pháp này nhắm vào các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế Nga, các tổ chức tài chính và thương mại, cũng như đưa vào danh sách đen hàng trăm cá nhân và pháp nhân của Moscow.

Tuy vậy, nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã không thành công trong việc gây tổn hại cho nền kinh tế cũng như sức khỏe tài chính của Nga.

Theo Bộ Tài chính Nga, mặc dù ban đầu nền kinh tế nước này bị suy thoái do các hạn chế, nhưng hiện tại mọi thứ đã ổn định trở lại do chính sách chuyển hướng sang phương Đông của Moscow.