Và bài học ấy đã trở thành một sợi dây bền chặt để gắn kết cuộc sống của họ.
Mọi chuyện bắt đầu rắc rối chỉ sau ngày chị về làm dâu không được bao lâu. Khi lấy chồng, chị đang là giáo viên một trường THCS cách khá xa nhà, dù chỉ là dạy môn phụ, nhưng chị lại đặc biệt rất yêu nghề. Trong khi đó, mẹ chồng chị có cửa hàng lớn, bà muốn chị bỏ việc ở nhà phụ bà bán hàng. Bà cho rằng, bà làm như thế chỉ vì lo cho tương lai của con cái. Không ít lần bà nặng nhẹ nói với chị: “Người ta phải đi thuê địa điểm để làm ăn buôn bán, đằng này mình đã có sẵn lợi thế, việc kinh doanh đang tiến triển thuận lợi, vừa làm vừa chơi mỗi ngày cũng kiếm được vài trăm nghìn... Vậy chị còn mong muốn gì hơn nữa? Chị đi dạy cách nhà hơn chục cây số mà lương có vài triệu bạc một tháng thì liệu có đủ tiền xăng xe không? Đã vậy, khi nào có con cái, vứt đấy cho ai trông?”.
Thực lòng, nghe qua những lời mẹ chồng chị nói không phải không có lý. Cuộc sống hiện tại, sự lựa chọn nào cho lợi ích kinh tế, thuận lợi cho bản thân vẫn phải được ưu tiên số một. Nhưng chị yêu thích cái nghề giáo viên mình đã chọn, nó là niềm vui, là mơ ước của chị từ ngày còn trẻ. Chị cũng không có “máu buôn bán”, ham làm giàu, mà chỉ mơ ước một cuộc sống ổn định và giản dị. Công việc của chị dù thu nhập chính không đáng là bao, không thể dạy thêm để kiếm ra tiền, nhưng cũng không phải đến mức bần hàn. Hơn thế, chị rất buồn khi vô tình biết được mục đích chính của mẹ chồng khi giữ chị ở nhà không phải là lo cho tương lai của con dâu, mà chỉ để giải quyết nhu cầu của bà, trong khi không có người thân cận trông nom cửa hàng.
Dù đã phân tích thế nào mẹ chồng chị vẫn khăng khăng ý định của mình. Khuyên không được, không ít lần bà nặng nhẹ, chì chiết, mỉa mai chị bằng những lời khó nghe. Bà bảo chị: “Sướng không muốn lại muốn khổ, chỉ tổ háo danh”.
Rồi sáng nào cũng vậy, dắt xe đi dạy, chị lễ phép chào mẹ chồng, nhưng bà mặt nặng mày nhẹ chẳng thèm đáp lại. Chị buồn lắm, nhưng vẫn cố nén những giọt nước mắt như sắp trào ra. Cảnh này lặp đi lặp lại hàng ngày làm chị rất mệt mỏi, có lúc cũng muốn buông xuôi, làm theo ý bà để gia đình được vui vẻ. Nhưng nghĩ đến niềm đam mê và tương lai của mình, chị lại không đành.
Còn mẹ chồng chị, mặc cho những lời khuyên can của con trai, bỏ ngoài tai những lời phân tích của họ hàng, làng xóm, bà vẫn muốn con dâu làm theo ý mình và khi không được, bà tìm mọi cách để “bắt lỗi” con dâu. Chỉ cần chị sơ ý nấu không ngon, hay là quần áo chưa thẳng là bà đay nghiến cả ngày, nào là “giáo viên mà thế à, chỉ được cái mác”, nào là “chỉ thích tí tớn đi ra ngoài để chơi, có để ý đến nhà đâu...”. Có những lúc bức bối quá, chị cũng muốn phản kháng lại, muốn nói to lên những suy nghĩ của mình. Nhưng rồi cái người phụ nữ vốn điềm đạm và chu đáo bên trong chị đã kịp giữ chị lại và chị quyết định cố gắng tìm mọi cách để bà hiểu.
Ngoài giờ đi dạy, chăm lo cơm nước, nhà cửa, những buổi không có tiết và buổi tối, chị vẫn nhiệt tình phụ giúp bà bán hàng, tính toán sổ sách (mặc dù chị không mấy thích thú với những con số, với lỗ lãi kinh doanh). Chị cũng sắp xếp chu đáo công việc cho từng nhân viên trong cửa hàng, nên mọi việc từ cửa hàng đến nhà cửa vẫn tươm tất, đâu ra đấy.
Nhưng với mẹ chồng chị, dường như thế vẫn là chưa đủ. Có những lúc bà cũng dịu xuống, nhưng cái tính ích kỷ của một người phụ nữ sắc sảo, vốn vẫn được mọi người chiều theo ý mình làm bà không thể xuống nước. Chị vẫn muốn gắn bó với niềm đam mê dạy học mà bấy lâu chị phấn đấu, mong đợi và mỗi ngày chị lại thầm mong mẹ chồng hiểu mình hơn, chia sẻ với mình hơn để tình cảnh gia đình thoát được cái cảnh nặng nề, khó chịu.
“Mưa dầm thấm lâu”, không có tấm lòng chân thành nào không được thấu hiểu. Cứ thế, không cãi lời, không to tiếng, không làm chồng khó xử khi phải đứng giữa vợ và mẹ, bằng hành động, chị tỏ cho mẹ chồng thấy mình vẫn xứng là con dâu đảm. Bà cũng thấy rằng, không nhất thiết phải bắt chị bỏ đi nghề nghiệp mình đang theo đuổi để thực hiện công việc bà sắp xếp cho. Nghĩ cho cùng, bà cũng đâu có ở cùng vợ chồng chị cả đời, tương lai nên để con tự quyết định. Khi bớt xét nét con dâu đi, bà thấy rằng chị có rất nhiều ưu điểm mà không phải ai cũng có. Bà thầm cảm phục cái cách ứng xử rất khéo của chị và tự thấy mình thật cổ hủ. Họ cùng điều chỉnh lại bản thân, hiểu nhau hơn, cuộc sống dường như cũng nhẹ nhõm và bình yên trở lại. Bây giờ, mỗi sáng chị chào bà để đi dạy, đáp lại là một nụ cười tươi.