Cũng từ làn sóng biểu tình phản đối quyết liệt của người dân mà giới quân sự ở Algeria và Sudan đã hành động buộc Tổng thống hai nước ấy phải chấm dứt thời kỳ cầm quyền dài nhiều thập kỷ của họ. Ở Sudan thậm chí còn có cuộc đảo chính quân sự và thành lập chính quyền quân sự. Ở Algeria có Tổng thống mới nhưng bộ máy chính thể vẫn cũ. Vậy là ở cả hai nơi, những người biểu tình phản đối chưa đạt được mục tiêu đấu tranh của họ.
Ở những quốc gia trong khu vực này đã từng có Mùa Xuân Ả Rập từ năm 2011, cho đến nay những người làm nên mùa Xuân ấy cũng vẫn chưa đạt được mục đích đề ra của họ. Tunisia hay Ai Cập, Libya hay Yemen, Syria hay ở đâu đó khác... đều chưa có hòa bình, an ninh và ổn định, đều chưa có phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội, đều chậm chạp hoặc trì trệ trong quá trình dân chủ hóa. Libya, Syria và Yemen vẫn còn chiến tranh, nội chiến và xung khắc bạo lực. Ai Cập quay về quá khứ nhiều hơn hướng tới tương lai. Tunisia vẫn chập chững với một vài cải cách chính trị.
Các phe cánh ở Algeria, Sudan hay ở các nước châu Phi khác đều đã không thể không rút ra được những bài học cần thiết cho họ từ cái gọi là Mùa Xuân Ả Rập kia. Bây giờ, họ phải giải quyết những vấn đề như các nước kia đã phải giải quyết từ năm 2011 đến nay và đều phải tránh kết cục như hiện tại ở các nước ấy. Giới quân sự muốn cầm quyền và phe chính thể cũ muốn tiếp tục cầm quyền thì không thể bất chấp và đối địch với dân chúng. Người dân muốn đất nước thật sự thay đổi thì phải đấu tranh cho tới khi có được chính thể mới và lãnh đạo mới. Algeria và Sudan giờ trong cuộc giằng co như thế. Vì kết cục cuối cùng hiện vẫn để ngỏ nên thật sự không ai biết mùa này là mùa nào cho hai nơi này.