Dù vậy, ông Widodo vẫn không thể mãn nguyện với kết quả như vậy bởi không đạt được mục đích khác khá quan trọng, thời sự cấp thiết hơn là vận động Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sang Indonesia tham dự trực tiếp cuộc gặp cấp cao thường niên năm nay của nhóm G20 do Indonesia chủ trì ở Bali vào tháng 11 tới. Indonesia hiện là chủ tịch đương nhiệm luân phiên của G20 và cuộc gặp cấp cao năm nay của G20 đang đối diện với nguy cơ không thể thành công bởi tác động của chuyện chiến sự ở Ukraine giữa Nga và Ukraine.
Ông Widodo cũng đã mời Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Bali tham dự sự kiện. Sự tham dự trực tiếp cũng như gián tiếp của ông Putin vấp phải thái độ tẩy chay của các thành viên nhóm G20 trong khối các nước phương Tây.
Đến thời điểm hiện tại mới chỉ thấy có lãnh đạo của một vài nước phương Tây tuyên bố sẽ tới Bali. Phía Mỹ chưa xác nhận Tổng thống Mỹ Joe Biden có tham dự hay không và phía Nga vẫn để mập mờ khả năng ông Putin tới tham dự trực tiếp.
Sự tham dự của ông Putin sẽ vấp phải cách ứng phó của các thành viên G20 trong khối các nước phương Tây là tẩy chay sự kiện vì có ông Putin tham dự hoặc sẽ tham dự sự kiện nhưng biến sự kiện thành diễn đàn, dịp đấu khẩu và đối địch trực tiếp với ông Putin. Cả hai kịch bản này đều đưa lại kết cục là cuộc gặp cấp cao của G20 không thể thành công. Mà sự kiện lớn không thành công thì nước chủ nhà và cá nhân ông Widodo không thể tránh khỏi bị tổn hại uy danh và thể diện.
Vì thế, sự tham dự trực tiếp của lãnh đạo Trung Quốc có ý nghĩa và hiệu ứng vô cùng quan trọng đối với diễn biến suôn sẻ và kết cục thành công của cuộc gặp. Ông Widodo chưa nhận được câu trả lời dứt khoát của phía Trung Quốc đơn giản bởi cả phía Trung Quốc cũng chờ đợi xem những ai sẽ tới và không tới Bali rồi mới quyết định nhân sự tham dự cụ thể.