Mục tiêu của ngoại trưởng Mỹ khi thăm Thổ Nhĩ Kỳ

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ bắt đầu chuyến thăm chính Thổ Nhĩ Kỳ trong hôm nay (19/2), nhằm thảo luận nhiều vấn đề quan trọng, bao gồm các phương thức hỗ trợ của Washington giúp Ankara phục hồi sau trận động đất kinh hoàng khiến 45.000 người thiệt mạng.

Xếp hàng đầu trong chương trình nghị sự sẽ là việc tư cách thành viên NATO của Thụy Điển và Phần Lan bị trì hoãn - nguyên do là Thổ Nhĩ Kỳ cho đến nay vẫn từ chối việc phê chuẩn.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh: Reuters
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh: Reuters

Ankara khẳng định Stockholm chứa chấp những lực lượng mà Thổ Nhĩ Kỳ cho là thành viên của các nhóm khủng bố, do đó họ sẽ chỉ chấp thuận Phần Lan.

Ngoại trưởng Mỹ sẽ hạ cánh xuống căn cứ không quân Incirlik ở tỉnh Adana phía nam, từ đó ông sẽ tới tới khu vực bị động đất bằng trực thăng.

Trận động đất mạnh 7,8 độ richter đã tấn công phía đông nam Thổ Nhĩ Kỳ và nước láng giềng Syria vào ngày 6/2, khiến hơn 45.000 người thiệt mạng và hơn một triệu người mất nhà cửa cùng với thiệt hại kinh tế dự kiến lên tới hàng tỷ USD.

Ông Blinken dự kiến sẽ có cuộc hội đàm song phương hôm 20/2 với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu and gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, Reuters dẫn nguồn thạo tin cho biết. 

Chuyến thăm đầu tiên của ông Blinken tới Thổ Nhĩ Kỳ với tư cách ngoại trưởng đã được lên kế hoạch trước, nhưng cho đến thời điểm này đã hai năm sau khi ông nhậm chức. Việc chậm trễ này trái ngược hoàn toàn với một số người tiền nhiệm như Cựu ngoại trưởng Hillary Clinton và Rex Tillerson, vốn đã thực hiện chuyến thăm trong vòng ba tháng đầu nhiệm kỳ. 

Theo giới quan sát, sự chậm trễ này phản ánh mối quan hệ Thổ-Mỹ đã xấu đi kể từ năm 2019 khi Ankara mua các hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga. Các chuyên gia cho biết, trong khi Mỹ ca ngợi Thổ Nhĩ Kỳ về một số hành động của nước này trong cuộc chiến tại Ukraine , thì Mỹ vẫn lo lắng về mối quan hệ thân thiết của nước này với Moscow.

Thế bế tắc của NATO

Thụy Điển và Phần Lan năm ngoái đã nộp đơn xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sau khi Nga triển khai quân vào Ukraine, nhưng vấp phải sự phản đối bất ngờ từ Thổ Nhĩ Kỳ. 

Ankara muốn Helsinki và Stockholm nói riêng có đường lối cứng rắn hơn đối với Đảng Công nhân người Kurd (PKK), tổ chức bị Thổ Nhĩ Kỳ và Liên minh châu Âu coi là nhóm khủng bố. 

Vào tháng 1, Erdogan cho biết ông chỉ sẵn sàng phê chuẩn đơn đăng ký của Helsinki.

Trong diễn biến liên quan, Thổ Nhĩ Kỳ từng bày tỏ mong muốn mua máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất, một thương vụ mà Quốc hội Mỹ đã phản đối, trừ khi ít nhất Ankara bật đèn xanh cho quá trình gia nhập Bắc Âu.

Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ sự thất vọng khi các vấn đề này được đặt trong mối liên kết với nhau. Ibrahim Kalin, cố vấn chính sách đối ngoại chính của ông Erdogan, tháng trước khẳng định, ông hy vọng thỏa thuận F-16 sẽ không trở thành "con tin" đối với việc Thụy Điển và Phần Lan đăng ký làm thành viên NATO.