Đây là góp ý của các doanh nghiệp, chuyên gia tại Hội nghị quảng bá xúc tiến du lịch giữa TP Hà Nội với tỉnh Bình Định được tổ chức chiều 15/4.
Bình Định là tỉnh ven biển duyên hải Nam Trung Bộ, nằm ở trung tâm của trục Bắc - Nam trên cả 3 tuyến: Đường bộ, đường sắt và đường hàng không. Hiện nay có hơn 10 chuyến bay mỗi ngày từ TP Hà Nội đến Bình Định và ngược lại.
TP Hà Nội và tỉnh Bình Định đã có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ trong phát triển kinh tế - xã hội, thông qua hợp tác phát triển vùng giữa Hà Nội và các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ. Cụ thể đã ký kết thỏa thuận liên kết phát triển du lịch giữa TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (gồm Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định).
Giám đốc Sở Du lịch Bình Định Trần Văn Thanh cho biết, qua 2 năm triển khai, ngành du lịch Hà Nội và Bình Định đã tích cực trao đổi thông tin, liên kết xây dựng những định hướng mới trong phát triển du lịch, đồng thời khai thác hiệu quả các giá trị tài nguyên du lịch tự nhiên, đa dạng và đặc trưng của vùng.
“Việc liên kết đã góp phần mở rộng và phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình phát triển, nhằm phục hồi và phát triển du lịch giữa TP Hà Nội và tỉnh Bình Định trong bối cảnh mới” - ông Trần Văn Thanh khẳng định.
Góp ý vào hoạt động kết nối cùng nhau khai thác tiềm năng du lịch, thu hút du khách, Chủ tịch CLB Lữ hành Unesco Hà Nội Trương Quốc Hùng chia sẻ, hiện Bình Định chủ yếu khai thác du lịch biển đảo, trong khi Bình Định là địa phương gần gũi với các tỉnh Tây Nguyên. Vì vậy du lịch Bình Định nên liên kết với các doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên tổ chức tour liên vùng biển đảo với vùng cao.
“Đây là mô hình mà du lịch Nha Trang đã thực hiện thành công thông qua việc liên kết với TP Đà Lạt (Lâm Đồng) mà Bình Định nên học tập” - ông Trương Quốc Hùng nêu ví dụ.
Đồng tình với ý kiến này, tại hội nghị, các doanh nghiệp có chung kiến nghị Sở Du lịch Bình Định hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội kết nối hợp tác với những đơn vị cung ứng dịch vụ uy tín của địa phương để xây dựng, tour đảm bảo chất lượng, chi phí hợp lý. Bên cạnh đó cơ quan quản lý cần kêu gọi doanh nghiệp du lịch Bình Định đẩy mạnh trao đổi khách 2 chiều Hà Nội - Bình Định, không nên chỉ thực hiện 1 chiều đón du khách Hà Nội.
“Việc đón khách 2 chiều sẽ tạo đòn bẩy cho ngành hàng không giảm giá vé, qua đó doanh nghiệp du lịch giảm giá tour” - Giám đốc Công ty du lịch Hanoitourist Nguyễn Hồng Thái khẳng định.
Đồng tình với những ý kiến của doanh nghiệp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu đề nghị, để chương trình hợp tác du lịch giữa Bình Định - Hà Nội hiệu quả đòi hỏi phải mở rộng nội dung liên kết từ cơ quan quản lý tới đơn vị truyền thông, doanh nghiệp du lịch trong xúc tiến, quảng bá thúc đẩy trao đổi khách. Đồng thời xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp với từng nhóm đối tượng khách gắn với yếu tố “xanh”, bền vững.
Để du lịch Hà Nội - Bình Định có sự kết nối hiệu quả hơn nữa, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang đề nghị hai cơ quan quản lý đẩy mạnh hơn nữa về hợp tác phát triển du lịch theo hướng đảm bảo môi trường du lịch lành mạnh, sản phẩm an toàn, hấp dẫn. Tiếp tục tăng cường hợp tác trong công tác tuyên truyền, quảng bá tài nguyên, sản phẩm du lịch đặc sắc của mỗi địa phương tới thị trường du khách trong và quốc tế thông qua các kênh truyền thông.
“Hai địa phương phối hợp tạo điều kiện thuận lợi để kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc. Đồng thời phối hợp tổ chức các đoàn doanh nghiệp du lịch khảo sát phát triển kết nối tuyến Hà Nội và Bình Định với những địa phương lân cận” - bà Đặng Hương Giang kiến nghị.
Nhằm thu hút và trao đổi khách giữa 2 địa phương, tại hội nghị UBND tỉnh Bình Định ký kết chương trình hợp tác với Tổng Công ty Du lịch Hà Nội; Sở Du lịch tỉnh Bình Định ký kết với Hiệp hội Du lịch TP Hà Nội và Câu lạc bộ lữ hành UNESCO Hà Nội…