Mỹ bắn rơi khinh khí cầu nghi là do thám của Trung Quốc

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vụ việc được cho là đã làm ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai cường quốc.

Một máy bay chiến đấu của quân đội Mỹ đã bắn hạ khinh khí cầu bị tình nghi là gián điệp của Trung Quốc ngoài khơi bờ biển South Carolina hôm 4/2, một tuần sau khi khinh khí cầu này vào không phận Mỹ. 

Một máy bay phản lực bay ngang qua khinh khí cầu nghi là do thám của Trung Quốc, ngoài khơi bờ biển Surfside Beach, South Carolina. Ảnh: Reuters
Một máy bay phản lực bay ngang qua khinh khí cầu nghi là do thám của Trung Quốc, ngoài khơi bờ biển Surfside Beach, South Carolina. Ảnh: Reuters

Tổng thống Joe Biden cho biết ông đã ra lệnh bắn hạ khinh khí cầu hôm 1/2, tuy nhiên Lầu Năm Góc đã khuyến nghị nên đợi cho đến khi có thể thực hiện việc này trên mặt nước để bảo vệ dân thường khỏi các mảnh vỡ rơi xuống từ độ cao hàng nghìn mét.

Các quan chức cho biết khinh khí cầu bị bắn rơi cách bờ biển Mỹ khoảng 6 hải lý, trên vùng nước tương đối nông, có khả năng hỗ trợ nỗ lực khôi phục các bộ phận của thiết bị giám sát Trung Quốc trong những ngày tới.

Vụ bắn hạ xảy ra ngay sau khi chính phủ Mỹ ra lệnh tạm dừng các chuyến bay đến và đi từ ba sân bay khu vực - Wilmington, Myrtle Beach và Charleston -  một "nỗ lực an ninh quốc gia" mật. Các chuyến bay đã được nối lại vào chiều hôm qua. 

Câu hỏi đặt ra là Trung Quốc đã thu thập được bao nhiêu thông tin trong chuyến đi của chiếc khinh khí cầu trên khắp nước Mỹ.

Chiếc khinh khí cầu lần đầu tiên đi vào không phận Mỹ ở Alaska vào ngày 28/1 trước khi di chuyển vào không phận Canada ngày 30/1. Sau đó, nó lại vào không phận Mỹ phía bắc Idaho vào ngày 31/1, Reuters dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết. Sau khi bay qua đất liền Mỹ, chiếc khinh khí cầu không quay trở lại vùng biển, khiến việc bắn hạ trở nên khó khăn.

Các quan chức đã không tiết lộ công khai sự hiện diện của khinh khí cầu tại Mỹ cho đến ngày 2/2. 

“Rõ ràng là chính quyền ông Biden đã hy vọng che giấu sự thất bại về an ninh quốc gia này với Quốc hội và người dân Mỹ,” Hạ nghị sĩ Mỹ Mike Rogers, một đảng viên Đảng Cộng hòa, người đứng đầu Ủy ban Quân vụ Hạ viện, cho biết.

Việc ông Biden hôm 4/2 nhấn mạnh vài ngày trước, ông đã ra lệnh bắn hạ khinh khí cầu càng sớm càng tốt có thể là một nỗ lực để đáp lại những chỉ trích này.

Trong khi đó, quan chức Mỹ khác cho biết Washington đã gọi sự xuất hiện của khinh khí cầu là "sự vi phạm rõ ràng" chủ quyền của Mỹ và đã thông báo cho Bắc Kinh về vụ bắn hạ hôm 4/2. 

Về phía Trung Quốc bày tỏ sự tiếc nuối về việc một "khí cầu" được sử dụng cho mục đích khí tượng dân sự và khoa học đã đi lạc vào không phận Mỹ.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 4/2 cho biết chuyến bay của khinh khí cầu qua không phận Mỹ là một tai nạn bất khả kháng, đồng thời cáo buộc các chính trị gia và phương tiện truyền thông Mỹ lợi dụng tình hình để làm mất uy tín của Bắc Kinh.

Lầu Năm Góc đánh giá rằng khinh khí cầu này là một phần của đội khinh khí cầu do thám Trung Quốc. Trong diễn biến liên quan, ngoại trưởng Mỹ đã đột ngột hủy bỏ chuyến thăm tới Bắc Kinh do vụ việc. Đây lẽ ra là cuộc gặp cấp cao Mỹ-Trung đầu tiên sau nhiều năm.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần